Dạo này, tôi tận hưởng việc đọc sách nhiều hơn. Ngoài việc chiêm nghiệm được nhiều kiến thức mới, tôi như được ôn lại rất nhiều kiến thức đã đi ngang qua đầu trước đây mà dường như đã chẳng đọng lại gì sâu sắc hoặc tôi chẳng ứng dụng được gì hữu ích cho cuộc sống cả.
Gần đây, tôi mới tiếp cận kiến thức về ba cuộc hôn nhân chính trong đời của mỗi con người: (1) Kết hôn với Công việc; (2) Kết hôn với Những mối quan hệ gia đình; và (3) Kết hôn với Chính mình. Tôi nhận ra rằng mình không để tâm đến “Cuộc hôn nhân với Chính mình” là mấy, nhiều khi còn quên mất sự tồn tại của nó.
Bây giờ, tôi đã biết nuôi dưỡng “Cuộc hôn nhân với Chính mình” và dành thời gian “Sống với Bản thân” nhiều hơn. Tôi chiêm nghiệm và đào sâu hơn vào việc ứng dụng những điều bổ ích mình đã học vào cuộc sống hàng ngày. Tôi cảm nhận được chặng đường hiện tại của mình có nhiều hoa thơm của sự bình an và quả ngọt của nhiều điều thú vị, khai mở được một số tiềm năng trong tôi mà chưa bao giờ tôi biết đến, cuộc sống thật tuyệt vời làm sao.
Với tâm khiêm nhường và lòng biết ơn tới tất cả những vị thầy của mình, biết ơn tất cả những gì tôi có trong cuộc đời, tôi xin chia sẻ một điều nho nhỏ về lời dạy của một nhà hiền triết rằng: “Khi bạn sợ một điều gì đó, bạn đang đánh mất một cơ hội mới”. Hay nói một cách khác, ta có thể chinh phục sự sợ hãi của mình để nắm bắt một cơ hội mới.
Trong hành trình của cuộc đời, cơ hội thường xuất hiện vào lúc chúng ta ít ngờ tới nhất. Nó gõ cửa, phát ra những tín hiệu cho ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình và đón nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, luôn có một thế lực mạnh mẽ ngăn cản chúng ta nắm bắt những cơ hội này, đó là sự sợ hãi. Giống như lời dạy đề cập ở trên: “Khi bạn sợ một điều gì đó, là bạn đang đánh mất một cơ hội mới”. Câu nói sâu sắc này gói gọn bản chất của việc chính nỗi sợ hạn chế sự phát triển và cản trở sự sáng tạo của ta như thế nào.
Bây giờ, chúng ta cùng mổ xẻ bản chất của nỗi sợ, tác động của nó đối với cuộc sống và tìm ra cách vượt qua nó, nhằm phá vỡ những rào cản do nỗi sợ đem đến để mở cánh cửa đi đến những ước mơ của mình nhé.
Nỗi sợ là gì?
Sợ hãi là một phần vốn có trong trải nghiệm riêng của mỗi người. Nó hoạt động như một cơ chế bảo vệ, cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn và dẫn đường cho ta khi đưa ra quyết định. Mặc dù nỗi sợ có thể phục vụ cho một giá trị nào đó, nhưng lại là con dao hai lưỡi vì nó giới hạn chúng ta. Nó thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ những điều chưa biết đến và sự lặp lại vô số lần trong quá khứ. Mỗi nỗi sợ xuất hiện theo một cách riêng, nhưng điểm chung là chúng đều có thể tước đi cơ hội mới của ta.
Sự sợ hãi giá bao nhiêu?
Mỗi khi nỗi sợ xuất hiện, nó hình thành một rào cản giữa ta và những ước muốn. Nó hoạt động như một giới hạn tự mình áp đặt vào bản thân, nó khiến chúng ta bỏ lỡ vô số cơ hội phát triển, cơ hội tiến xa hơn để thành công và đạt tới sự viên mãn. Hãy thử chiêm nghiệm về một lần nào đó trước đây mà bạn phân vân vì sợ hãi khi muốn thực hiện một bước nhảy vọt hoặc dự định theo một ngã rẽ khác. Có bao nhiêu cơ hội đã vuột khỏi tầm tay mà bạn không để ý? Mỗi nỗi sợ đi qua tiềm ẩn một cơ hội bị bỏ lỡ – mỗi tiềm năng không được khai thác chính là một cơ hội đã qua đi trong cuộc đời.
Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ?
Mặc dù nỗi sợ có thể đã ăn sâu vào tâm trí, nhưng điều cần thiết bạn nên nhớ rằng nó không phải là tất cả con người của bạn. Vượt qua sợ hãi là một quá trình đòi hỏi sự tự suy xét, lòng can đảm và tinh thần sẵn sàng đối mặt trực tiếp với những lo lắng của mình. Dưới đây là một số phương pháp và kỹ năng có thể thực hành giúp chúng ta thoát khỏi xiềng xích của sự sợ hãi và mở lòng hơn để khám phá những khả năng tiềm ẩn của mình.
Chấp nhận và xác định nỗi sợ: Bước đầu tiên để chinh phục nỗi sợ chính là việc thừa nhận sự hiện diện của nó. Bạn hãy suy ngẫm về nỗi sợ của mình và cố gắng xác định nguồn gốc cụ thể của chúng. Việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ ấy sẽ giúp bạn đối mặt với nó hiệu quả hơn. Khi phân tích chi tiết các nguyên nhân, bạn sẽ tìm thấy cách giải quyết một cách cụ thể cho từng vấn đề.
Chất vấn lại các suy đoán của mình: Nỗi sợ thường phát triển dựa trên các giả định, suy đoán hay niềm tin tiêu cực nào đó. Chất vấn lại những suy đoán của mình bằng cách kiểm chứng một cách khách quan, bạn sẽ thấy mình có thể có một quan điểm mới khi thay đổi góc nhìn cho một vấn đề. Nỗi sợ của bạn có cơ sở trong thực tế không hay chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?
Chấp nhận rủi ro: Bước ra ngoài vùng an toàn là điều cần thiết cho việc phát triển bản thân. Hãy bắt đầu bằng cách thực hiện từng việc rất nhỏ, nhưng đều đặn để rút ngắn khoảng cách hướng tới mục tiêu. Dần dần, bạn sẽ nhận diện được tình trạng hiện tại của mình là như thế nào với nỗi sợ đang có. Điều đó sẽ từng bước giúp bạn phục hồi và dần xây dựng sự tự tin – điều này đồng nghĩa với việc nỗi sợ của bạn sẽ giảm dần theo sự tăng trưởng của sự tự tin.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Hãy luôn nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc trên bất kỳ hành trình nào. Hãy tiếp cận với bạn bè, gia đình hoặc nhà tư vấn, những người có thể cho bạn sự hướng dẫn, lời khuyến khích và chia sẻ với bạn một quan điểm mới với một góc nhìn mới mà bạn chưa biết tới. Sự hỗ trợ của họ sẽ củng cố sự tự tin của bạn và giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn. Bạn đừng lo về chi phí, vì có rất nhiều cách để bạn có được sự hỗ trợ cần thiết. Ngay cả khi bạn ngại ngùng không dám mở lời với người thân gia đình, thì kênh YouTube hay Podcast cũng có thể là nhà tư vẫn miễn phí của bạn, nếu bạn cố ý tìm kiếm. Tôi đã tìm thấy rất nhiều vị thầy giỏi, nhiều câu trả lời giá trị và những lời tư vẫn miễn phí rất hữu ích cho những thắc mắc, trăn trở của mình. Trong đạo Phật có câu “Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Bản thân tôi đã không biết bao nhiêu lần chứng nghiệm câu nói này, trong hầu hết mọi thắc mắc của mình.
Chấp nhận thất bại: Chúng ta nhất thiết cần biết rằng thất bại là một phần tất yếu không thể thiếu trong quá trình học tập hay đi đến thành công. Khi bạn hiểu một cách sâu sắc rằng mỗi lần thất bại chính là một cơ hội để hoàn thiện hơn, và thất bại chính là cơ hội cho thấy bản thân mình đang ở đâu, thì bạn sẽ bớt sợ hơn rất nhiều. Thế nên, hãy đón nhận thất bại như một bước đệm trên con đường tiến tới thành công.
Tóm lại, khi bạn sợ hãi một điều gì đó, bạn sẽ đánh mất một cơ hội. Câu nói đơn giản nhưng sâu sắc này làm rõ tầm quan trọng của việc giải quyết nỗi sợ để nắm lấy các cơ hội trong cuộc sống. Mặc dù nhiều nỗi sợ trông có vẻ ghê gớm, nhưng nó không nhất thiết phải là lựa chọn của ta. Bằng cách hiểu rõ cơ chế của nỗi sợ, nhìn nhận ra tác động của nó và thực hiện các bước chủ động để chinh phục, ta có thể mở khóa để khai mở những tiềm năng vô hạn của mình và sẽ nắm bắt các cơ hội mới đến với mình nhiều hơn.
Hãy nhớ rằng, hành trình phát triển là để trưởng thành và con đường dẫn đến sự thành công viên mãn nằm ở phía bên kia của nỗi sợ – trực diện với nỗi sợ và hãy quan sát cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào khi bạn lựa chọn khác đi, chắc chắc nhiều điều sẽ nằm ngoài sự tưởng tượng của bạn cho mà xem.
Rất biết ơn bạn đã cũng tôi mổ xẻ đề tài này. Chúc bạn từng bước vững chãi đi đến thành công của mình.
Hạnh phúc và bình yên là hai yếu tố thiết thực mà tất cả chúng ta đều cố gắng có được trong cuộc sống. Cả hai được kết nối mật thiết với nhau và có thể ảnh hưởng phần lớn hoặc toàn bộ đến sức khỏe tinh thần (cảm xúc) cũng như sức khỏe thể chất của ta. Đạt được cả hạnh phúc và bình an sẽ giúp ta sống một cuộc đời trọn vẹn, bất chấp những thử thách và trở ngại mà chúng ta có thể gặp phải trên đường đời, trong cuộc sống hàng ngày.
Hạnh phúc là một trạng thái của tâm trí được thể hiện bởi những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như niềm vui, sự mãn nguyện và hài lòng. Hạnh phúc thường liên quan đến các yếu tố bên ngoài như thành công, sự sung túc về của cải vật chất hoặc các mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự đến từ bên trong và không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Đó là một trạng thái có thể được cải thiện thông qua chánh niệm, lòng biết ơn và các kết nối có ý nghĩa với người khác.
Mặt khác, bình an là một cảm giác bình tĩnh và thanh thản đến từ bên trong. Đó là một trạng thái của tâm trí được biểu hiện bởi sự hài hòa, cân bằng và yên tĩnh bên trong. Bình an thường được trau dồi với các bài tập như thiền, yoga hoặc các bài tập hít thở sâu. Tìm kiếm sự bình yên nội tâm có thể giúp chúng ta kiểm soát căng thẳng và lo lắng, đồng thời có thể dẫn đến sự rõ ràng và tập trung hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Để đạt được cả hạnh phúc và bình an, điều quan trọng là phải nuôi dưỡng tư duy tích cực, ưu tiên chăm sóc bản thân và xây dựng mối quan hệ bền chặt với những người thân yêu. Dành thời gian để tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và sự thỏa mãn, thực hành lòng biết ơn và chánh niệm, tham gia tập thể dục thường xuyên và tự suy ngẫm đều có thể góp phần mang lại hạnh phúc và bình yên hơn.
Tóm lại, hạnh phúc và bình yên là những thành phần thiết yếu của một cuộc sống viên mãn. Bằng cách tập trung vào việc nuôi dưỡng tư duy tích cực, thực hành chăm sóc bản thân và xây dựng các mối quan hệ bền chặt, chúng ta có thể đạt được hạnh phúc và bình an hơn trong cuộc sống của mình, ngay cả khi gặp thử thách và trở ngại.
Những bài tập nào chúng ta có thể luyện để tăng trưởng bình an và hạnh phúc?
Có rất nhiều bài thực hành bạn có thể luyện tập để trau dồi sự bình an và hạnh phúc của bạn. Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp được bạn:
Và bạn nên nhớ rằng hành trình trau dồi sự bình an và tăng trưởng hạnh phúc của mỗi người đều khác nhau và là duy nhất, vì mỗi chúng ta đều bắt đầu bằng biệt nghiệp riêng khi được sinh ra trong kiếp này, tất cả đều có trải nghiệm riêng biệt cũng như hoàn cảnh sống rất khác nhau.
Hành trình này cần thời gian. Và để tìm ra những phương pháp thực hành phù hợp nhất với bạn, hãy kiên nhẫn và đối xử tử tế với bản thân, đồng thời tiếp tục khám phá các thử nghiệm khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy con đường phù hợp nhất với mình.
Vì sự bình an và hạnh phúc của chính bạn.
Suy nghĩ tích cực là sự lựa chọn tiếp nhận vào tâm trí những thông tin hướng về cảm xúc lạc quan, hướng về một kết quả tốt đẹp trong một ngữ cảnh nào đó. Một vài ví dụ sau đây có thể giúp bạn phân biệt giữa suy nghĩ tích cực với suy nghĩ tiêu cực dễ dàng hơn.
Với ba ví dụ trên tượng trưng cho tình huống (1) khách quan của thời tiết; (2) mất mát về vật chất và (3) về mối quan hệ người thân hy vọng giúp bạn dễ liên tưởng trong những sự việc xảy ra. Bạn có thể thấy rằng bạn có toàn quyền lựa chọn kiểu suy nghĩ như thế nào cho hầu hết các tình huống trong cuộc sống.
Sự khác biệt là nếu bạn chọn suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc của bạn sẽ có khuynh hướng đi xuống, và bạn sẽ mất đi những năng lượng tốt cho tinh thần của mình. Ngược lại, nếu bạn chọn suy nghĩ tích cực, bạn sẽ không bị cảm xúc xấu chiếm ngự và năng lượng tốt sẽ được sinh ra nhiều hơn, đồng nghĩa với việc bạn không mất đi nguồn năng lượng mà bạn đang có.
Suy nghĩ tích cực là tinh thần luôn hướng về những kết quả tốt đẹp và các yếu tố thuận lợi sẽ xảy đến cho công việc của mình, ngay cả trong hoàn cảnh có nhiều thử thách hoặc trở ngại. Tâm trí của người có tư duy tích cực chỉ tập trung vào những điều tốt đẹp của bản thân mình và những điều tốt đẹp của người khác. Như vậy, những điểm tốt mà bạn tập trung về mình và người khác sẽ tăng dần lên trong tâm trí bạn. Điều đó sẽ hỗ trợ cho sự hanh thông về mọi thứ.
Người có suy nghĩ tích cực xem thất bại là điều bình thường, đó là những sự cố của trải nghiệm thực tế tất yếu xảy ra trên tiến trình dẫn đến sự thành công. Họ không những không nản lòng trước thất bại, mà còn đón nhận những thất bại như là cơ hội để có được những bài học quý giá và kinh nghiệm cho tương lai.
Một người suy nghĩ tích cực thường tập trung vào những điều tốt đẹp ở người khác. Và khi chỉ tập trung vào những điều tốt đẹp ấy, thì nền tảng cho mọi suy nghĩ, lời nói hay hành động của họ cũng có khuynh hướng trở nên tốt đẹp hơn.
Thực tế đáng buồn là thói quen tự nhiên của bộ não con người, chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực. Nhưng tin vui cho bạn đây, theo khoa học chứng minh, việc luyện tập cho bộ não là hoàn toàn có thể. Chúng ta có thể huấn luyện cho bộ não của mình thay đổi và hướng về tư duy tích cực. Việc cần làm là phương pháp và sự thực tập thường xuyên, đầy đủ và kiên trì. Sau khi đã bắt đầu thay đổi được, thì cơ chế vận hành sẽ tiếp tục theo khuynh hướng mới – khuynh hướng của Tư Duy Tích Cực, khuynh hướng của Suy Nghĩ Tích Cực.
Suy nghĩ tiêu cực được ví như cỏ dại, khi chúng ta thực hành Suy Nghĩ Tích Cực ví như chúng ta ươm mầm và chăm sóc cây. Việc luyện tập cần duy trì đều đặn, thường xuyên và liên tục, còn không thì cỏ dại sẽ mọc lên lại. Suy Nghĩ Tích Cực cũng vậy, nếu ta không duy trì luyện tập liên tục thì chúng ta sẽ quay về thói quen cũ – thói quen của sự tiêu cực vốn có tự nhiên của mình.
Bạn muốn trở thành con người như thế nào là do chính sự quyết định và sự lựa chọn của bạn.
Vậy luyện tập Suy Nghĩ Tích Cực như thế nào – những phương pháp luyện tập là gì?
Có nhiều nguyên tắc và phương pháp, bạn hãy chọn cho mình phương pháp phù hợp với căn cơ và hoàn cảnh của mình để thực tập. Chánh niệm và tỉnh thức sẽ giúp bạn phát triển Suy Nghĩ Tích Cực và thay đổi tư duy theo chiều hướng Tích Cực theo thời gian.
Thứ 1: Không nhận rác của người khác
Xã hội ngày nay có quá nhiều áp lực, gánh nặng về cơm áo gạo tiền tạo nên áp lực cho rất nhiều người xung quanh. Cũng vì những áp lực như vậy mà mọi người thường có tâm trạng mệt mỏi và tồn tại nguồn năng lượng tiêu cực trong họ. Trong quá trình giao tiếp, họ đã vô tình trút rác (năng lượng tiêu cực) vào người khác. Và bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc tiêu cực của những người xung quanh.
Nguyên tắc quan trọng là “Tôi chỉ đón nhận điều tốt đẹp, và sẽ không nhận rác của bất cứ ai”. Khi nghe điều tốt và vui, hãy đón nhận. Khi nghe những thông tin xấu hay tiêu cực, hãy tỉnh thức và tự nhắc mình đây là rác. Hãy đọc thầm câu thần chú “Tôi chỉ đón nhận điều tốt đẹp, và sẽ không nhận rác của bất cứ ai”. Vì nếu không, bạn sẽ mất năng lượng và sẽ dần sẽ trở thành nạn nhân của những điều tiêu cực xung quanh. Và tệ hơn, bạn sẽ trở thành con người tiêu cực và có nguy cơ trầm cảm.
Thứ 2: Lựa chọn suy nghĩ
Theo bảng ví dụ so sánh ở trên về sự khác biệt giữa Suy Nghĩ Tích Cực và suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy tỉnh táo và lựa chọn những suy nghĩ có lợi cho sức khỏe của mình, bao gồm thể chất và sức khỏe tinh thần. Nếu bạn Suy Nghĩ Tích Cực, tâm trí bạn sẽ chỉ lưu lại những hình ảnh, và viễn cảnh về kết quả của sự tốt đẹp. Như vậy, tâm trí bạn không còn chỗ cho những điều khác. Theo Luật Hấp Dẫn, Vũ Trụ sẽ gửi đến cho bạn những điều tốt đẹp theo mong muốn của bạn.
Thứ 3: Ghi lại những việc tốt đã làm
Hãy bắt đầu ghi lại những việc tốt đã làm. Mục đích của việc này giúp bạn nhận ra hệ giá trị của bản thân mình.
Mỗi ngày, bạn cần ghi lại việc tốt mà bạn đã làm được trong ngày. Ví dụ, bạn đã nói những lời tích cực bao nhiêu lần trong ngày. Hay bạn đã tập thể dục hôm nay chưa. Việc lưu lại những việc tốt này làm thêm tăng hệ giá trị của bản thân bạn. Và khi ghi lại như vậy, bạn có thêm động lực để thực hiện những việc tốt nhiều hơn, hệ giá trị của bạn lại được củng cố và phát triển hơn nữa.
Nếu chưa, bạn có thể bắt đầu từ những việc tích cực nho nhỏ ngay bây giờ và bắt đầu ghi lại. Bạn có thể làm được nhiều điều tốt trong ngày. Chỉ cần mỗi buổi tối, dành vài phút ghi lại, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân và những điều tốt đẹp mà bạn đã và đang làm được. Bạn sẽ thấy đáng kinh ngạc về mặt tốt của mình và cảm nhận được giá trị của bản thân tăng lên từng ngày.
Thứ 4: Tự trò chuyện
Khi có chuyện buồn hay bất như ý xảy ra. Bạn hãy tự trò chuyện với chính mình. Viết nhật ký là một phương tiện của việc tự trò chuyện. Bản thân bạn chính là “người bạn tốt nhất” của mình. Khi tự trò chuyện, bạn hãy viết ra hết những cảm xúc của mình, tự đặt câu hỏi và tự tìm tòi cho những câu hỏi đó. Bạn tha hồ đổ hết ra giấy những bức xúc, buồn phiền, khó chịu, bực bội mà bạn đang có.
Tác dụng thứ nhất của việc tự trò chuyện là giảm được áp lực những cảm xúc tiêu cực nhất thời sau khi đã đổ hết ra giấy những bức xúc, muộn phiền, bực bội và giận dữ. Điều này còn giúp bạn ngăn ngừa được những ảnh hưởng đáng tiếc có thể xảy ra nếu bạn trút những lời nói không hay cho người khác trong khi không kiềm chế được cảm xúc nóng giận của mình.
Thứ hai, khi bạn đọc lại “cuộc trò chuyện với chính mình” đó, đa số bạn sẽ nhìn vấn đề với một suy nghĩ khác trước, đôi khi bạn cảm thấy chuyện xảy ra không quá tệ hại như mình nghĩ, chỉ là bạn đã không kiểm soát được cảm xúc của mình lúc đó mà thôi. Vì bản chất của cảm xúc là thay đổi liên tục mà.
Đây là những phương pháp mà tôi áp đã, đang áp dụng và trải nghiệm thực tế. Chúng đã thực sự giúp tôi thay đổi cuộc sống của mình một cách tuyệt vời. Tôi vẫn đang tiếp tục luyện tập hàng ngày để hoàn thiện và phát triển bản thân hơn nữa.
Đến nay, tôi đã dần hình thành những thói quen tích cực, từ suy nghĩ, đến lời nói, rồi hành động. Tôi cảm nhận mọi thứ xung quanh đang diễn ra hoàn hảo hơn từng ngày.
Tôi làm được, chắc chắn bạn cũng làm được như tôi. Vì tất cả chúng ta đều là con cái của Tạo Hoá – Thượng Đế – Đấng Sáng Tạo đầy tình yêu thương, chúng ta đã có sẵn những hạt giống của Tư Duy Tích Cực, Suy Nghĩ Tích Cực từ khi sinh ra. Chỉ là chúng ta đã bị xu thế của cuộc sống thay đổi. Đây chính là lúc ta nhận diện ra và bắt đầu thay đổi.
Chúc bạn thành công!
Nhìn vào xã hội ngày nay, ta thấy căng thẳng và lo âu nhiều hơn là niềm vui và hạnh phúc. Đáng buồn là trẻ em cũng đang dần bị cuốn theo guồng chạy ấy. Bạn có đang cảm nhận như tôi về điều này không?
Có thể vì tổ tiên chúng ta đã trải qua nhiều sự thiếu thốn về vật chất sau bao cuộc đấu tranh, nên ăn no mặc ấm đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Khi đã có được ăn no mặc ấm, các bậc cha mẹ như chúng ta lại mong nhìn thấy một thế hệ kế thừa sung túc hơn, đủ đầy hơn. Ta đã bắt đầu phấn đấu làm việc không ngừng để tạo điều kiện ăn ngon mặc đẹp cho con cái mình.
Qua thời gian, suy nghĩ của thế hệ giao thời chúng ta đã cho rằng để có được thêm niềm vui và hạnh phúc ta cần phải có thêm nhiều điều kiện vật chất, rồi tiến đến dư giả xa hoa, có địa vị xã hội cao và được mọi người công nhận, nể phục. Tư duy của ta cũng dần quen rằng điều kiện vật chất bên ngoài là nền tảng hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
Nhưng sự thật lại là, cảm xúc mới đóng vai trò quan trọng nhất trong niềm vui và hạnh phúc của con người.
Ngày nay, Khoa học Thế giới đã định nghĩa rằng, hạnh phúc là trạng thái của tâm chúng ta, bao gồm những cảm xúc tích cực hoặc dễ chịu, cảm giác hài lòng, vui vẻ thoải mái. Hạnh phúc thường được mô tả với sự liên quan về cảm xúc tích cực và sự thoả mãn trong cuộc sống.
Theo chứng minh của khoa học, thì việc rèn luyện để có hạnh phúc là hoàn toàn có thể xảy ra nếu ta biết phương pháp và thực hành thường xuyên để phát triển Trí Tuệ Cảm Xúc.
Có nhiều phương pháp để luyện tập, như thiền tập, những bài học nhận thức và các khoá học thực hành phát triển bản thân. Hôm nay, tôi xin giới thiệu 7 bài thực hành đơn giản sau đây nhằm giúp bạn luyện tập, hầu tăng trưởng niềm vui và hạnh phúc của bạn từng ngày.
1. Khởi động ngày mới bằng năng lượng tích cực
Ngay khi thức dậy, bạn hãy dành 15 phút ngồi yên, quay sự chú ý vào bên trong trước khi làm bất cứ điều gì. Ta lắng nghe hơi thở, cảm nhận các cảm xúc trên thân và thả lỏng, suy nghĩ và gửi năng lượng tích cực, năng lượng thành công cho các dự định trong ngày của mình. Một số ý tưởng sau đây sẽ gợi ý giúp bạn cho một ngày bình an và hạnh phúc phía trước:
• Tôi hoàn toàn tập trung vào kết quả trọn vẹn của mình.
• Tôi tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh.
• Tôi hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đề ra.
• Tôi biết các bước tiếp theo của mình và tin tưởng vào sự trợ giúp đầy yêu thương của Vũ Trụ.
• Tôi cho phép mình đón nhận kết quả tốt đẹp.
• Những điều tôi đón nhận thực sự là một phép màu.
2. Hít thở có ý thức
Hơi thở sâu và có ý thức sẽ sinh ra nhiều năng lượng tích cực và Vũ Trụ luôn sẵn sàng gửi tới thêm nhiều điều tốt đẹp.
Tôi thường đưa ý thức vào hơi thở khi đi bộ hay di chuyển trong ngày vì điều đó giúp tôi thư giãn tâm trí. Khi có điều kiện ngồi xuống vài phút nghỉ ngơi, tôi kết hợp hơi thở có ý thức để kết nối với sự tĩnh lặng bên trong, đó là lúc tôi phục hồi năng lượng đã hao tổn của mình.
3. Sự tĩnh lặng thiêng liêng
Hãy tạo ra những khoảnh khắc tĩnh lặng thiêng liêng trong ngày. Những khoảng lặng này không cần lâu, chỉ 5 phút là đủ. Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên nhớ và ban tặng cho bản thân nhiều lần như vậy. Trong 5 phút ấy, bạn không dùng điện thoại, không bị phiền nhiễu xung quanh, chỉ một mình bạn, tâm trí bạn hoàn toàn nghỉ ngơi.
Tôi thường dành vài phút sau khi ăn sáng và sau khi dùng bữa trưa hoặc trước khi đi ngủ. Tùy theo thời gian làm việc của mình mà bạn sẽ dần chọn được những thời điểm thích hợp cho việc này.
4. Hãy chậm lại
Điều này đặc biệt hiệu quả khi bạn đang bị cuốn vào một vòng xoáy của dòng suy nghĩ. Sự choáng ngợp và bận rộn là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mất kết nối với nội tâm và niềm vui sẵn có bên trong. Bạn hãy tập thực thói quen – ngưng lại một nhịp, ngừng suy nghĩ và hít thở vài hơi thật chậm. Hãy chậm lại một bước. Bạn sẽ thấy mọi thứ bớt căng thẳng hơn và cái đầu sẽ sáng hơn.
Tín hiệu SOS (Stop, Observe, Steering) là một gợi nhớ giúp bạn chậm lại.
5. Tập quan sát dòng suy nghĩ của mình
Bất cứ khi nào bị cuốn mình vào vòng xoáy suy nghĩ, bạn có thể đứng lên và tạm thời di chuyển đi chỗ khác, nếu trong tình huống không thể thực hiện được, bạn hãy quay vào quan sát hơi thở. Tuy nhiên, không phải dễ dàng làm được ngay điều này, nhưng nếu bạn làm được một lần, lần sau sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ có khả năng làm việc này bất cứ khi nào bạn cần.
6. Lắng nghe không phán xét
Mỗi người có góc nhìn riêng biệt theo trải nghiệm cá nhân, không ai giống ai. Nếu bạn thử một lần lắng nghe hết câu chuyện của người đối diện mà không bỏ cảm xúc của mình vào, bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị mà mình chưa biết về người ấy, bạn sẽ hiểu hơn về người ấy và bắt đầu thông cảm cho những hành động của họ, những hành động có thể gây sự bất như ý với bạn trước kia. Vì suy cho cùng, mọi hành động đều xuất phát từ việc tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc cho bản thân theo cách suy nghĩ của riêng mỗi người.
7. Thực hành lòng biết ơn
Khi ý thức về lòng biết ơn, ta trân trọng những trải nghiệm và những bài học ta có được. Nên nhớ, không có trải nghiệm xấu, chỉ có bài học là gì sau trải nghiệm ấy. Bạn thử chiêm nghiệm điều này nhé.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Khi nào ta còn có lòng biết ơn thì khi ấy hạnh phúc vẫn còn có mặt. Người nào đã cạn kiệt lòng biết ơn, thì hạnh phúc không thể còn có nơi người ấy được”.
Và sau cùng, cái gì cũng có tiến trình của nó. Giống như trồng cây thì ta cần thời gian cho cây nảy mầm và lớn dần lên. Công việc của người trồng cây là chăm bón và tưới tẩm hàng ngày. Luyện tập chế tác niềm vui và hạnh phúc cũng vậy. Bạn là người gieo hạt giống cho cây niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Luyện tập là việc tưới tẩm và chăm sóc cây hàng ngày. Nhưng chắc chắn, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của bạn nở hoa từng ngày nếu luyện tập thường xuyên, đều đặn.
Vì niềm vui và hạnh phúc của bạn. Chúc bạn thành công.
Hạnh phúc chính là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống và là thước đo trung thực nhất để đánh giá sự thành công của con người. Điều này tưởng như rất rõ ràng, nhưng mãi cho đến tận bây giờ, nó mới được chính thức công bố bởi Báo chí Thế giới.
Hầu hết chúng ta đều đang trên đường phấn đấu để có hạnh phúc. Nhưng rất hiếm khi chúng ta dừng lại để chiêm nghiệm, hạnh phúc thật sự là gì và như thế nào là hạnh phúc – tôi cũng vậy.
Tôi đã từng tin rằng hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng những thành tích mà mình đạt được: sự thoải mái về mặt vật chất, sự dư giả tài chính và các nhu cầu xa hoa trong cuộc sống; cảm giác được an toàn về sức khỏe và an toàn về mặt tình cảm; có được sự hòa hợp trong các mối quan hệ xung quanh; được mọi người công nhận và được xã hội tôn trọng.
Tôi đã nỗ lực liên tục trong thời gian dài, rất dài và đến một lúc cũng tạm coi như ổn ổn và có một số thành công nhất định trong cuộc sống. Với chặng đường dài mệt mỏi và liên tục cố gắng như vậy, tôi cũng dần xây dựng cho mình những điều nêu ở trên. Những tưởng là đã cán đích và bắt đầu tận hưởng, vậy mà cảm giác hạnh phúc của tôi vẫn ở đâu đâu, mơ mơ hồ hồ, lúc ẩn lúc hiện. Và dù, có cố gắng thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ chạm đến và có được cảm giác hạnh phúc viên mãn.
Tôi đã thay đổi. Hiện ngay lúc này đây, tôi đang cảm nhận được hạnh phúc của mình một cách tự nhiên khi đã thấu hiểu được 3 sự thật sau đây.
Sự thật số 1: Chúng ta có rất nhiều thói quen luôn làm cho bản thân không hạnh phúc
Khi được sinh ra và lớn lên, theo truyền thống giáo dục gia đình và xã hội bao thế hệ qua, hầu hết chúng ta được dạy rằng, cần phải đạt được một số thành công nhất định mà xã hội công nhận thì ta mới có thể hạnh phúc được. Như an cư, lạc nghiệp, cần phải ổn định chỗ ở, rồi tiến đến sự tiện nghi, xa hơn nữa là dư giả, sung túc. Sau đó là con cái thành đạt, địa vị xã hội, được mọi người tôn trọng, nể phục, vv…
“Nếu tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nếu tôi có được một gia đình như ý, nếu tôi có nhiều bạn bè tốt, nếu tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, nếu tôi có những kỳ nghỉ tuyệt vời… thì tôi sẽ hạnh phúc.”
Nói chúng, hạnh phúc là phải có cái này, cái nọ, hay thậm chí là, khi ta hơn người khác về một số thứ thì ta sẽ hạnh phúc hơn. Thế nên, hạnh phúc luôn là cái đích phía trước, hạnh phúc luôn ở “thì tương lai”. Đó là những gì mà ta tuyệt đối tin tưởng và răm rắp thực hiện không ngừng nghỉ. Nhưng, giả sử bạn đã đạt được thứ mà bạn đang theo đuổi. Thì sau đó sẽ là cái gì? Bạn sẽ hạnh phúc ư, hay bạn sẽ chỉ muốn có thêm một cái nữa? Chỉ một điều nữa thôi, và sau đó sẽ là hạnh phúc suốt đời.
Bạn có biết rằng, hạnh phúc không bao giờ được tìm thấy bằng việc có thêm một cái gì đó. Càng theo đuổi bằng cách muốn thêm cái gì đó, càng khiến chúng ta không hạnh phúc. Vì việc theo đuổi sẽ khiến ta mệt mỏi và chính là nguyên nhân làm đứt kết nối giữa ta với niềm hạnh phúc của ta. Chỉ khi nào biết dừng lại, trân trọng và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, thì ta mới có thể cảm nhận được hạnh phúc.
Sự thật thứ 2: Hạnh phúc đích thực đến từ bên trong
Nếu hạnh phúc không đến từ việc đạt được một cái gì đó bên ngoài, vậy thì nó đến từ đâu?
Sự thật là, hạnh phúc là trạng thái tồn tại sẵn có trong ta. Ta hoàn toàn có thể hạnh phúc một cách tự nhiên. Chính cái mong muốn cần thêm một cái gì đó để được hạnh phúc, là điều khiến chúng ta không hạnh phúc.
Hạnh phúc nằm sẵn trong con người chúng ta, nhưng nó lại luôn bị chôn vùi dưới nhiều tầng tầng lớp lớp: sự căng thẳng, sợ hãi, sự lo lắng, sự toan tính, mong muốn, nỗi khổ niềm đau…
Bí mật để có được hạnh phúc là ta cần phải học cách để nhận ra những tầng tầng lớp lớp kia và làm cho bốc hơi những cảm xúc tiêu cực kia đi. Và một cách tự nhiên, niềm hạnh phúc của ta sẽ được hiển thị.
Sự thật này được tìm thấy ở những thời khắc trong cuộc đời mà chúng ta có được cảm nhận sâu sắc nhất. Ví dụ, như khi sinh con, khi kết hôn, hoặc khi được làm điều gì đó mà ta yêu thích. Những khoảnh khắc này khiến bạn quên hết mọi thứ xung quanh. Bạn không mảy may lo lắng về tương lai hoặc suy nghĩ về quá khứ. Bạn đang thực sự ở trong thời điểm của hiện tại, bạn đang tiếp xúc với nội tâm của bạn – một phiên bản mà không cần phải có thêm một cái gì nữa để có hạnh phúc cả.
Chính khoảnh khắc hiện tại này đây mới cho phép bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc của mình. Nó luôn tồn tại bên trong bạn, khi không còn bị che khuất bởi những căng thẳng, toan tính và lo âu.
Sự thật thứ 3: Hạnh phúc là một sự lựa chọn
Sau hai sự thật ở trên, ta có thể hiểu rằng, hạnh phúc có được tùy thuộc vào sự chọn lựa của ta, ta có quyền lựa chọn và cho phép nó xảy ra hay không.
Điều khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ là khả năng lựa chọn – chọn suy nghĩ, chọn cảm xúc và chọn cách ứng xử trong mọi tình huống. Tác giả cuốn sách Search Inside Yourself (Tìm Kiếm Bên Trong Bạn) – Chade Meng Teng gọi là Ngã Ba Thần Thánh. Mỗi khoảnh khắc trong đời ta là một ngã ba. Ta có toàn quyền chọn cho mình cảm xúc gì tại mỗi thời khắc đó. Mỗi lựa chọn sẽ dẫn ta đến một kết quả khác nhau.
Bạn có thể chọn cảm giác bị xỉ nhục bởi những lời người khác nói hoặc đối xử với bạn, nhưng bạn cũng có thể chọn cách đón nhận nó như một trải nghiệm sống. Đó chỉ là quan điểm của người kia, trong khi quan điểm của bạn lại hoàn toàn khác vì trải nghiệm và quá khứ của hai người không giống nhau. Hai người đến từ hai quá khứ khác nhau. Chỉ là chúng ta chưa hiểu phía sau lời nói hay hành động kia là gì mà thôi. Không có đúng sai, mà chỉ là góc nhìn của hai người đang khác nhau khi nhìn vào cùng một vấn đề.
Không có lựa chọn tốt hay xấu, chỉ là theo thói quen, ta thường hay dán nhãn lên sự việc và tạo lên một thành kiến của riêng ta đối với nhân vật ấy, tình huống ấy qua trải nghiệm của bản thân ta trong quá khứ mà thôi.
Cũng giống như chúng ta đã từng học cách chọn những điều khiến chúng ta không hạnh phúc trước đây, thì ngay từ bây giờ, ta cũng hoàn toàn có thể học cách chọn những điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Khi thực hiện cách chọn mới, ta cần thời gian luyện tập ban đầu, dần dần sự lựa chọn đó sẽ thành thói quen và sự lựa chọn ấy sẽ trở thành tính cách của bạn, một cách tự nhiên theo thời gian.
Sau cùng, sự khác biệt duy nhất giữa hạnh phúc và đau khổ là bạn biết chọn cái nào.
Khi có sự kiện gợi nhớ đến câu chuyện buồn trong quá khứ, hay ai đó nhắc đến người đã từng làm bạn tổn thương mà bạn không còn cảm xúc buồn hay đau khổ nữa. Mỗi lần bạn nhắc lại câu chuyện quá khứ kia như thể bạn đang kể về một chuyện của ai khác, hoặc chỉ là một trải nghiệm của bạn mà thôi. Thật lòng chúc mừng bạn, vết thương của bạn đã hoàn toàn lành hẳn.
Tôi đã từng bị tổn thương rất lâu mà không biết. Cho đến khi tôi nhận ra, mình lại là nạn nhân của chính mình. Trong suốt một thời gian dài, tôi tự biện hộ cho tình trạng của mình, đã vô tình tạo cho mình một vỏ bọc bề ngoài. Và tôi đã để cho cảm xúc tiêu cực kéo cuộc sống của tôi chìm xuống sâu, rất sâu – tôi đã từng bị trầm cảm.
Tôi thường suy nghĩ và nhớ về những câu nói làm tôi đau, những câu nói chạm đến tự ái của mình, có những câu nói như vết dao cắt vào tim không thể quên được và nó đã để lại nhiều vết thương trong lòng tôi, thậm chí đã hình thành nỗi sợ rất lớn trong tôi. Tôi sợ nghe giọng nói của người ấy, tôi sợ tiếp xúc, sợ không làm hài lòng, sợ đủ điều… liên quan đến người ấy. Tôi cứ bị lẩn quẩn trong trạng thái trầm lắng, thích thu mình lại và cứ để nó tồn tại như thế.
Sau một thời gian khá dài khi không còn tiếp xúc nữa, nhưng mỗi khi có điều gì gợi nhớ hay liên quan đến người ấy, cảm xúc của tôi vẫn ùa về, rất tiêu cực – giận có, đau có và buồn nữa.
Và vết thương của tôi đã được chữa lành như thế nào?
Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình, mong giúp được những bạn đang như tôi trước kia cũng sẽ được chữa lành và gỡ được những nút thắt trong lòng – những nút thắt do chính mình tạo ra mà không biết, giống như tôi đã từng. Bạn có biết, khi một nút thắt được gỡ, bạn lại rất dễ dàng mở những nút thắt còn lại. Cuộc đời bạn sẽ thênh thang hơn nhiều.
Tôi đã tìm tòi, tìm kiếm và thực hành khá nhiều phương pháp như trong Neuro-Linguistic Programming – NLP (Lập trình Ngôn ngữ Tư duy), Thiền tập Vipassana và áp dụng những bài thực hành trong Search Inside Yourself (Tìm kiếm Bên trong Bạn).
Qua trải nghiệm bản thân, ước mong được chia sẻ 5 bước mà tôi đã áp dụng thành công cho việc chữa lành những tổn thương của chính mình.
Những trước khi đi vào chi tiết, xin nói thêm vài lời để các bạn hiểu và can đảm nhấc lên bước chân đầu tiên trên hành trình chữa lành của mình.
Ngày mới chào đời, chúng ta không ai biết đi cả. Vậy mà bạn hãy nhìn xem, chúng ta đang đi một cách tự nhiên trong vô thức ở mọi lúc cần thiết mà không phải có một chút cố gắng nào cả. Tất cả đều là sự luyện tập các bạn ạ.
Nhìn đứa bé tập đi, bạn sẽ hình dung tiến trình chữa lành của mình sẽ ra sao. Vài bước chập chững ban đầu rất chậm, khó khăn, té lên té xuống. Nhưng khi đã bắt đầu được vài bước, bé lại đi rất nhanh. Bạn cũng vậy, đừng quá lo lắng là mình không làm được. Tôi chắc chắn bạn sẽ hóa giải được cảm xúc và chữa lành được khi bạn thực sự quyết tâm. Vì tôi đã làm được, thì bạn cũng vậy. Chúng ta đều được vũ trụ trao tặng khả năng như nhau.
Bước 1: Gợi nhớ lại cảm xúc tiêu cực (Recall)
Bước 2. Dừng lại (Stop/Breath)
Bước 3. Nhận diện cảm xúc (Notice)
Bước 4. Suy nghĩ để hiểu rõ về nguồn gốc cảm xúc (Reflect)
Bước 5: Phản ứng bằng sự hiểu biết và yêu thương (Respond)
Bây giờ hãy quay trở về với tâm trí của mình, bạn hãy quay trở lại quan sát hơi thở trong vòng vài giây. Hãy quan sát xem, có còn bất cứ cảm xúc khó chịu nào đang lưu giữ lại trên cơ thể của mình không. Bạn hãy mỉm cười và nhẹ nhàng buông thả những cảm xúc tiêu cực đó đi. Nhẹ nhàng ngồi thở thư giãn, không suy nghĩ và hãy uống một tách nước ấm.
Sau mỗi lần thực hiện tiến trình này, cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ giảm dần. Thường xuyên thực hiện, vết thương lòng của bạn sẽ từ từ lành hẳn. Đến một lúc, bạn không còn cảm xúc khi có điều gì gợi nhớ đến câu chuyện buồn ấy nữa. Lúc đó, cuộc đời bạn sẽ thênh thanh và nhẹ nhàng hơn.
Mong bạn sớm tìm lại bình an vốn có bên trong bạn.
10 cách giúp bạn nhận diện và bắt đầu trở thành phiên bản độc đáo của chính mình
Nếu bạn đã từng ăn một miếng đậu hũ trắng, bạn có thể thấy rằng miếng đậu hũ hơi bị nhạt nhẽo. Nhưng khi người ta chế biến, nó sẽ được pha trộn với gia vị và trở thành một món ăn. Nó cần những gia vị khác để có được một sự nhận diện và tạo nên hương vị.
Bạn có đang giống như miếng đậu hũ trắng? Hương vị nhạt nhẽo hay không có gì là bản sắc riêng. Trước đây, tôi đã từng là miếng đậu hũ nhạt nhẽo đó. Tôi đã chọn nhiều thứ trong công việc, cuộc sống … nhưng theo ý kiến của người khác, không phải là quyết định của mình.
May thay, tôi đã ngộ ra qua nhiều bài học và hiểu được cái gì đang cản trở việc tôi muốn chia sẻ “bản sắc của riêng tôi” với thế giới, và về nét độc đáo của chính mình.
Thành thật mà nói, không cần một ai trong chúng ta phải giống như miếng đậu hũ trắng cả. Không bao giờ! Mỗi chúng ta đều có nét độc đáo của riêng mình. Chính sự riêng biệt duy nhất của mỗi người tạo nên sự phong phú cho xã hội, sự đa dạng trong các mối quan hệ và bức tranh sinh động trong cuộc sống.
Để tránh không trở thành miếng đậu hũ nhạt nhẽo, đây là 10 điều giúp bạn nhận ra và bắt đầu thể hiện nét độc đáo tuyệt vời của mình:
1. Ngừng ngay việc so sánh với người khác:
Việc so sánh bản thân với người khác chỉ cho ta thấy rõ hai điều: một là nói cho tất cả biết bạn chẳng có gì đặc biệt; hai là nó cản trở bạn thể hiện sự riêng biệt của chính mình. Cho nên, ngay khi nhận ra mình đang so sánh bản thân với ai đó, hãy dừng lại!
2. Hãy tìm hiểu và nhận biết sự tuyệt vời của bạn một cách chi tiết và cụ thể.
Điều gì đã tạo nên bạn, chính bản thân bạn? Bạn có những phẩm chất gì và đặc điểm nào? Giá trị nào là quan trọng đối với bạn? Bạn sẽ mô tả về bản thân như thế nào? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu mình rõ hơn.
3. Thực hành nghệ-thuật-chăm-sóc bản thân.
Khi bị ra lệnh hay bị nhào nặn theo ý của người khác, bạn dễ bị sợ hãi, dễ nghi ngờ bản thân, dễ cảm thấy bất an hoặc giảm dần tự tin và xuất hiện những cảm giác tiêu cực tương tự. Chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày để nạp năng lượng và nghỉ ngơi, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc nhận diện và phát hiện được nét độc đáo của riêng mình.
4. Luôn nhắc nhở bản thân rằng bạn không thể kiểm soát được những gì người khác nghĩ.
Nói thì dễ làm thì khó. Nhưng đó lại là sự thật. Chúng ta cần phải tỉnh táo và nhận ra điều này để không bị ảnh hưởng hay bị cuốn theo theo cảm xúc của người khác – không tỉnh táo chỉ làm cho chúng ta dần đánh mất trí tuệ của mình.
5. Ăn mừng thành tích.
Hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, hết dự án này sang dự án kia, chúng ta thực hiện liên tục không ngừng nghỉ nhiệm vụ này tiếp nhiệm vụ sau mà quên mất không dành thời gian để nghỉ ngơi và ghi nhận thành tích mình đã đạt được. Bắt đầu từ hôm nay, hãy dành chút thời gian để ghi nhận những thành tựu của bạn, bất kể lớn hay nhỏ. Đừng cho là điều này không cần thiết, bạn có biết rằng tận hưởng cảm giác thành công sẽ giúp bạn có thêm năng lượng chiến thắng để đạt được những mục tiêu lớn hơn.
6. Hãy vui vẻ với bản thân.
Hãy tự thưởng và làm điều gì đó thú vị cho mình và chính mình. Đôi khi không cần tốn kém, chỉ cần vài tiếng cuối tuần ngồi xem một bộ phim mình yêu thích, hay tự chiêu đãi cho mình một chén chè đúng khẩu vị. Đó chính là hương vị tận hưởng niềm vui.
7. Chia tay các suy nghĩ tiêu cực và nghi ngờ bản thân.
Ở đây, chúng ta cần hiểu một chút về bộ não của con người. Bộ não được nuôi dưỡng và dạy dỗ bởi những gì ta cho nó “ăn”. Nếu bạn dạy cho nó điều gì, nó sẽ tin vào điều đó. Chẳng hạn, bạn đang nói với bản thân rằng “Tôi không giỏi”, não của bạn sẽ ghi nhận rằng “Đúng, bạn không giỏi”. Vì vậy, hãy ngưng ngay việc cung cấp thức ăn xấu cho não. Thay vào đó, hãy dạy cho nó những gì bạn muốn trở thành.
8. Tặng cho bản thân một sở thích.
Trước đây, tôi không biết mình thích gì. Bây giờ, tôi đã tìm thấy sở thích của mình, tôi viết để lan tỏa lòng biết ơn với những gì mình được ban tặng, và tôi viết để được “sống với chính mình” qua việc chia sẻ những trải nghiệm, những bài học đã tạo nên “một tôi độc đáo” của ngày hôm nay.
Không có hạnh phúc nào sánh bằng được sống với đam mê và sở thích của mình. Nếu bạn cần sàng lọc để biết mình thích gì, thì hãy làm ngay nhé.
9. Hãy bắt đầu thực hiện những điều trên đây, vì phát triển bản thân không thể có được bằng lý thuyết mà bằng việc thực hành và áp dụng những bài học đó.
Điều gì khiến bạn muốn trở thành khuôn mẫu? Điều gì khiến bạn không dám trở thành phiên bản độc đáo của chính mình? Khi bạn tìm được nguyên nhân gốc rễ, bạn sẽ tìm ra lối đi lâu dài.
10. Nhận ra rằng bạn có thể làm được nhiều thứ khi là chính mình.
Khi không còn cố gắng trở thành hoặc bắt chước ai đó, bạn sẽ có cơ hội tuyệt vời để kết nối với những người thích bạn, và vì bạn là chính bạn. Bạn cảm thấy yên tâm hơn, nhiều năng lượng hơn, vì lực cản biến bạn thành người khác không còn nữa.
Hãy nhớ, chỉ khi nào bạn thực hành theo cách mới, bạn mới có được kết quả mới. Chúc bạn thành công và tìm thấy nét độc đáo của mình.
Bạn là một Người Quá Nhạy Cảm – Sống sao đây?
Ngày nay, chúng ta đang sống trong môi trường thay đổi liên tục, bao gồm biến đổi năng lượng và cả những thách thức rất lớn trên toàn cầu. Đành rằng, trạng thái tự nhiên của con người đúng là cũng luôn thay đổi, nhưng những thay đổi khắp nơi với tốc độ chóng mặt như vậy khiến cho nhiều người trở nên chông chênh hơn, nhạy cảm hơn.
Có phải bạn đang là một Người Quá Nhạy Cảm (Highly Sensitive Person-HSP)?
Hãy tưởng tượng một đài phát thanh có gắn ăng-ten, nó được nâng lên cao và được điều chỉnh để thu rõ tín hiệu. Đài phát thanh đó thu nhận từ các tần số phát sóng trên không trung và chuyển chúng thành âm thanh. Tất cả các thành phần cấu tạo của nó được thiết kế với mục đích đó, lúc nào nó cũng liên tục nhận và dịch các tín hiệu. Chỉ trừ khi nó bị ngắt điện.
HSP cũng giống như đài phát thanh vậy, trường năng lượng của con người cũng được thiết lập để thu nhận các tần số từ không trung, và năng lượng cảm xúc là tín hiệu mạnh nhất. Tần số rung động liên tục này có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái cảm xúc, tinh thần, thể chất và tâm trí của những HSP. Điều đó có nghĩa là, làm sao ta học được cách thích nghi với sự nhạy cảm của mình thay vì trở thành nạn nhân của chúng.
Nếu bạn đang thấy mình là một HSP, thì đây là một số phương pháp để giúp bạn áp dụng và thích nghi với nó:
1. Hãy nhớ rằng sự nhạy cảm của bạn là một món quà.
Sự nhạy cảm giúp bạn kết nối với người khác một cách sâu sắc. Và vì bạn có thể cảm nhận được những gì bên trong họ, nên bạn cũng có thể hiểu được những gì họ cần mà không nhất thiết họ phải nói với bạn. Sự đồng cảm này có thể là ánh đèn trong đêm đen của ai đó và bạn có thể giúp đỡ họ. Đó có thể là sứ mệnh tuyệt vời của bạn.
2. Sử dụng khả năng phân biệt và lựa chọn:
Mặc dù bạn không thể thoát hẳn sự nhạy cảm của mình, nhưng bạn có thể chọn một cái gì đó để tập trung sự chú ý, năng lượng và thời gian của mình. Ví dụ, bạn có thể tập trung vào việc mình yêu thích như đọc sách báo, làm bánh, nấu ăn, đan len, vẽ tranh, viết lách, chụp hình, đi bộ, vv… những hoạt động này giúp bạn giải phóng năng lượng tiêu cực.
Bạn có thể chọn khi nào kết nối và khi nào nên ngắt kết nối để bảo toàn nguồn năng lượng cho chính mình. Như khi tiếp xúc với ai đó mà bạn luôn thấy mình bị tổn thương, bị công kích, bạn nên tìm cách tránh xa, giảm hoặc ngừng tiếp xúc. Tôi thường chọn cách này, vì nó giúp tôi rất nhiều trong việc bảo toàn năng lượng. Ví dụ khi cần yên tĩnh, tôi không hồi đáp ngay nếu nhận tin nhắn hay cuộc gọi, tôi chỉ trả lời khi rảnh rỗi, thoải mái, vì đa số những tin nhắn đó không có gì cấp bách cả, để tránh xao lãng và gián đoạn công việc của mình.
Trường hợp bất khả kháng không thể tránh tiếp xúc với những người chung sống, bạn có thể lịch sự tìm một lý do hay một cái cớ gì đó để tạm tách ra một mình trong một thời gian để tập trung vào hơi thở và sự thư giãn. Sau đó, bạn sẽ thấy năng lượng được hồi phục.
Bạn nên nhớ rằng, bạn không bao giờ bị bắt buộc phải gánh chịu những chỉ trích, công kích, hay sự khó chịu của người khác. Hãy tin tưởng vào trực giác của bạn, nó sẽ mách bảo bạn ai là người bạn cần tránh tiếp xúc và đâu là nơi bạn cần tránh xa. Nếu bạn vân phân trước một quyết định, bạn hãy nhắm mắt lại, hít thở vài hơi thật chậm và cảm nhận, nếu bạn cảm thấy thật sự “thư giãn và tự do” trong lòng, thì đó là lựa chọn bạn nên.
3. Tôn trọng việc cần rút lui và nạp năng lượng.
Đa số HSP là những người có tính cách sống nội tâm, có nghĩa là bạn cần những khoảng lặng và sự yên tĩnh để thiết lập lại và bổ sung nguồn năng lượng của mình. Hãy bảo đảm sự cân bằng và bù lại nguồn năng lượng đã bị tiêu hao, cho dù đó là từ việc giao tiếp xã hội, công việc hàng ngày, giúp đỡ ai đó trong cơn hoạn nạn, hay chữa bệnh cho người khác, hoặc phản ứng với sự kiện bất ngờ gì đó. Với việc tự chăm sóc bản thân một cách âm thầm như vậy, bạn sẽ không bị kiệt sức.
4. Mỗi sáng thức dậy, hãy thực hiện một nghi thức gì đó theo tín ngưỡng của bạn.
Bạn có thể đọc kinh, cầu nguyện Thiên Chúa, Đức Phật hay Đấng mình tôn thờ để bảo vệ và hướng dẫn bạn trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động trong ngày.
Khi bắt đầu một ngày, hãy hình dung những lời cầu nguyện của bạn là tấm khiên chắn bảo vệ bạn ở tần số cao nhất mà bạn sẽ đón nhận được. Hãy tưởng tượng rằng khi có tấm khiên, nó giống như việc bạn thắt dây an toàn khi bạn ngồi trong xe hơi vậy, nó sẽ bảo đảm an toàn cho bạn. Theo Luật Hấp Dẫn, Vũ Trụ sẽ gửi cho bạn những gì bạn yêu cầu.
5. Trước khi đi ngủ, hãy thực hiện lòng biết ơn, cảm ơn vì những điều lành đã đến với bạn trong ngày và những điều tồi tệ đã không xảy ra. Khi thực hành lòng biết ơn, bạn sẽ đón nhận thêm nhiều điều tốt đẹp.
6. Cho phép bản thân trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của mình.
Nếu bạn gồng lên chống chọi khi cảm xúc khó chịu xuất hiện, điều đó sẽ làm cho cảm xúc đó quay lại theo hình vòng tròn xoắn ốc. Nó chỉ “ra đi thật sự” khi bạn nhận biết ra nó và đón nhận nó, cho phép những cảm xúc khó chịu ấy đi qua trường năng lượng của bạn. Lúc đó, tần số quay lại của cảm xúc khó chịu đó giảm nhanh chóng và sẽ tan đi.
Một số phương pháp bạn có thể áp dụng để giải tỏa tức thời những cảm xúc khó chịu là:
7. Tìm người thân gia đình và chia sẻ với họ:
Nếu bạn là một HSP và là người sống nội tâm, bạn có thể không có quan hệ xã hội rộng, nhưng nên nhớ là bạn vẫn có người thân trong gia đình, những người thực sự hiểu và yêu bạn vô điều kiện (Bố Mẹ bạn chẳng hạn). Hãy đừng ngần ngại kiếm họ khi bạn cần trợ giúp. Hãy nhớ rằng hầu hết mọi người đều thích được cần đến, và nếu họ thực sự thấy và biết bạn như vậy, họ sẽ biết cách giữ khoảng trống cho bạn khi cần thiết.
Và hãy nhớ rằng những đau khổ trong đời bạn sẽ là thử thách để bạn tìm ra lối thoát cho chính mình và sau đó sẽ cho bạn bài học rất giá trị. Mr Vas- chuyên gia đào tạo cao cấp Lập trình Ngôn ngữ Tư duy có nói “không có trải nghiệm xấu, chỉ có bài học”. Đó là bài học bỏ túi mà tôi luôn đem theo và đã giúp tôi rất nhiều khi có điều bất như ý đến.
Những người xung quanh sẽ cần đến chia sẻ của bạn về bài học quý giá mà bạn đã có qua trải nghiệm của chính mình. Hãy chăm sóc và tôn trọng bản thân, và hãy biết rằng sự nhạy cảm đặc biệt của bạn là điều sẽ giúp được rất nhiều người để họ có thể hiểu rõ hơn về bản thân họ
Tôi đã thay đổi nhận thức và cảm nhận về hạnh phúc như thế nào?
Trong quyển sách “Search Inside Yourself” (Tìm Kiếm Bên Trong Bạn) của tác giả Chade Meng Tan, tôi như bừng tỉnh khi đọc được lời của tác giả “Trước đây, nếu không có gì tốt xảy ra, thì tôi mặc định là không hạnh phúc. Giờ thì ngược lại: nếu không có gì xấu xảy ra thì tôi mặc định đó là hạnh phúc”.
Từ thời khắc đọc được câu đó đến nay, tôi đã bắt đầu cảm nhận được niềm vui nhiều hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại chiêm nghiệm câu nói ấy và thấy mình đang hạnh phúc.
Bao nhiêu năm nay tôi không biết mình có hạnh phúc hay không, hạnh phúc là gì, thế nào thì mới là hạnh phúc. Trước đây, tôi luôn thấy mình không ổn, nhiều lúc tôi thấy mình cứ bấp bênh làm sao ấy. Mỗi ngày của tôi trôi qua cứ như là chiếc lá trôi theo dòng sông mà không biết đi về đâu.
Cuộc sống của tôi khá ổn về mọi mặt theo cái nhìn khách quan của rất nhiều người. Tôi không còn phải lo cơm áo gạo tiền, con cái đã lớn và sắp ra trường. Tiền học cho các con cũng đã được chuẩn bị, vậy mà tôi vẫn thấy cuộc sống của mình chưa được mãn nguyện. Cái cảm giác cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó làm tôi trăn trở, không hài lòng với bản thân mình.
Đã hơn một tuần nay tôi tự huấn luyện cho suy nghĩ của mình theo cách nhìn của Chade Meng Tan về hạnh phúc, tôi tự nhận thấy một sự thay đổi rất lớn đang xảy ra trong tôi. Tôi thường xuyên thấy mình vui và hạnh phúc vì tôi nhận thấy rằng đại đa số là rất ít, thậm chí là rất hiếm khi có điều gì xấu xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
Tôi nghĩ đâu đó cũng có những bạn/anh/chị – những ai đang trong tình trạng tương tự như tôi, không biết mình có đang hạnh phúc không – đọc được những dòng này. Hạnh phúc không là cái gì to tát đâu các bạn ạ, nó chỉ đơn giản như câu nói của Chade Meng Tan thôi “nếu không có gì xấu xảy ra thì mặc định đó là hạnh phúc” 😊
Mong bạn cũng cảm nhận được hạnh phúc, một cách đơn giản như tôi lúc này.
Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi.