Người Nhạy Cảm – Đâu là lối đi cho bạn

Bạn là một Người Quá Nhạy Cảm – Sống sao đây?

Ngày nay, chúng ta đang sống trong môi trường thay đổi liên tục, bao gồm biến đổi năng lượng và cả những thách thức rất lớn trên toàn cầu. Đành rằng, trạng thái tự nhiên của con người đúng là cũng luôn thay đổi, nhưng những thay đổi khắp nơi với tốc độ chóng mặt như vậy khiến cho nhiều người trở nên chông chênh hơn, nhạy cảm hơn.

Có phải bạn đang là một Người Quá Nhạy Cảm (Highly Sensitive Person-HSP)?

Hãy tưởng tượng một đài phát thanh có gắn ăng-ten, nó được nâng lên cao và được điều chỉnh để thu rõ tín hiệu. Đài phát thanh đó thu nhận từ các tần số phát sóng trên không trung và chuyển chúng thành âm thanh. Tất cả các thành phần cấu tạo của nó được thiết kế với mục đích đó, lúc nào nó cũng liên tục nhận và dịch các tín hiệu. Chỉ trừ khi nó bị ngắt điện.

HSP cũng giống như đài phát thanh vậy, trường năng lượng của con người cũng được thiết lập để thu nhận các tần số từ không trung, và năng lượng cảm xúc là tín hiệu mạnh nhất. Tần số rung động liên tục này có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái cảm xúc, tinh thần, thể chất và tâm trí của những HSP. Điều đó có nghĩa là, làm sao ta học được cách thích nghi với sự nhạy cảm của mình thay vì trở thành nạn nhân của chúng.

Nếu bạn đang thấy mình là một HSP, thì đây là một số phương pháp để giúp bạn áp dụng và thích nghi với nó:

1. Hãy nhớ rằng sự nhạy cảm của bạn là một món quà.

Sự nhạy cảm giúp bạn kết nối với người khác một cách sâu sắc. Và vì bạn có thể cảm nhận được những gì bên trong họ, nên bạn cũng có thể hiểu được những gì họ cần mà không nhất thiết họ phải nói với bạn. Sự đồng cảm này có thể là ánh đèn trong đêm đen của ai đó và bạn có thể giúp đỡ họ. Đó có thể là sứ mệnh tuyệt vời của bạn.

2. Sử dụng khả năng phân biệt và lựa chọn:

Mặc dù bạn không thể thoát hẳn sự nhạy cảm của mình, nhưng bạn có thể chọn một cái gì đó để tập trung sự chú ý, năng lượng và thời gian của mình. Ví dụ, bạn có thể tập trung vào việc mình yêu thích như đọc sách báo, làm bánh, nấu ăn, đan len, vẽ tranh, viết lách, chụp hình, đi bộ, vv… những hoạt động này giúp bạn giải phóng năng lượng tiêu cực.

Bạn có thể chọn khi nào kết nối và khi nào nên ngắt kết nối để bảo toàn nguồn năng lượng cho chính mình. Như khi tiếp xúc với ai đó mà bạn luôn thấy mình bị tổn thương, bị công kích, bạn nên tìm cách tránh xa, giảm hoặc ngừng tiếp xúc. Tôi thường chọn cách này, vì nó giúp tôi rất nhiều trong việc bảo toàn năng lượng. Ví dụ khi cần yên tĩnh, tôi không hồi đáp ngay nếu nhận tin nhắn hay cuộc gọi, tôi chỉ trả lời khi rảnh rỗi, thoải mái, vì đa số những tin nhắn đó không có gì cấp bách cả, để tránh xao lãng và gián đoạn công việc của mình.

Trường hợp bất khả kháng không thể tránh tiếp xúc với những người chung sống, bạn có thể lịch sự tìm một lý do hay một cái cớ gì đó để tạm tách ra một mình trong một thời gian để tập trung vào hơi thở và sự thư giãn. Sau đó, bạn sẽ thấy năng lượng được hồi phục.

Bạn nên nhớ rằng, bạn không bao giờ bị bắt buộc phải gánh chịu những chỉ trích, công kích, hay sự khó chịu của người khác. Hãy tin tưởng vào trực giác của bạn, nó sẽ mách bảo bạn ai là người bạn cần tránh tiếp xúc và đâu là nơi bạn cần tránh xa. Nếu bạn vân phân trước một quyết định, bạn hãy nhắm mắt lại, hít thở vài hơi thật chậm và cảm nhận, nếu bạn cảm thấy thật sự “thư giãn và tự do” trong lòng, thì đó là lựa chọn bạn nên.

3. Tôn trọng việc cần rút lui và nạp năng lượng.

Đa số HSP là những người có tính cách sống nội tâm, có nghĩa là bạn cần những khoảng lặng và sự yên tĩnh để thiết lập lại và bổ sung nguồn năng lượng của mình. Hãy bảo đảm sự cân bằng và bù lại nguồn năng lượng đã bị tiêu hao, cho dù đó là từ việc giao tiếp xã hội, công việc hàng ngày, giúp đỡ ai đó trong cơn hoạn nạn, hay chữa bệnh cho người khác, hoặc phản ứng với sự kiện bất ngờ gì đó. Với việc tự chăm sóc bản thân một cách âm thầm như vậy, bạn sẽ không bị kiệt sức.

4. Mỗi sáng thức dậy, hãy thực hiện một nghi thức gì đó theo tín ngưỡng của bạn.

Bạn có thể đọc kinh, cầu nguyện Thiên Chúa, Đức Phật hay Đấng mình tôn thờ để bảo vệ và hướng dẫn bạn trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động trong ngày.

Khi bắt đầu một ngày, hãy hình dung những lời cầu nguyện của bạn là tấm khiên chắn bảo vệ bạn ở tần số cao nhất mà bạn sẽ đón nhận được. Hãy tưởng tượng rằng khi có tấm khiên, nó giống như việc bạn thắt dây an toàn khi bạn ngồi trong xe hơi vậy, nó sẽ bảo đảm an toàn cho bạn. Theo Luật Hấp Dẫn, Vũ Trụ sẽ gửi cho bạn những gì bạn yêu cầu.

5. Trước khi đi ngủ, hãy thực hiện lòng biết ơn, cảm ơn vì những điều lành đã đến với bạn trong ngày và những điều tồi tệ đã không xảy ra. Khi thực hành lòng biết ơn, bạn sẽ đón nhận thêm nhiều điều tốt đẹp.

6. Cho phép bản thân trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của mình.

Nếu bạn gồng lên chống chọi khi cảm xúc khó chịu xuất hiện, điều đó sẽ làm cho cảm xúc đó quay lại theo hình vòng tròn xoắn ốc. Nó chỉ “ra đi thật sự” khi bạn nhận biết ra nó và đón nhận nó, cho phép những cảm xúc khó chịu ấy đi qua trường năng lượng của bạn. Lúc đó, tần số quay lại của cảm xúc khó chịu đó giảm nhanh chóng và sẽ tan đi.

Một số phương pháp bạn có thể áp dụng để giải tỏa tức thời những cảm xúc khó chịu là:

    • Viết nhật ký: mỗi khi cảm xúc dâng trào, bạn hãy viết ra tất cả những gì bạn cảm thấy đau khổ, tổn thương hay khó chịu. Viết cho đến khi không còn gì để viết. Sau đó, hãy đi uống một cốc nước ấm và bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hẳn.
    • Trút bầu tâm sự: Bạn hãy tìm một người “đáng tin cậy”, có thể là bạn thân, tâm lý gia, nhưng phải là người bạn tin tưởng và chắc chắn rằng sẽ không phán xét bạn, để bạn trút bầu tâm sự, điều này sẽ giúp bạn được nói ra những điều thầm kín đã đè nén bấy lâu. Nhưng, nếu bạn không tin tưởng bất cứ ai, thì viết nhật ký là cách an toàn tại thời điểm đó.
    • Tập thể dục, chạy bộ, hoạt động thể chất hay thực hành thiền đều là những phương pháp tốt để giúp bạn giải phóng năng lượng tiêu cực.

7. Tìm người thân gia đình và chia sẻ với họ:

Nếu bạn là một HSP và là người sống nội tâm, bạn có thể không có quan hệ xã hội rộng, nhưng nên nhớ là bạn vẫn có người thân trong gia đình, những người thực sự hiểu và yêu bạn vô điều kiện (Bố Mẹ bạn chẳng hạn). Hãy đừng ngần ngại kiếm họ khi bạn cần trợ giúp. Hãy nhớ rằng hầu hết mọi người đều thích được cần đến, và nếu họ thực sự thấy và biết bạn như vậy, họ sẽ biết cách giữ khoảng trống cho bạn khi cần thiết.

  •  

Và hãy nhớ rằng những đau khổ trong đời bạn sẽ là thử thách để bạn tìm ra lối thoát cho chính mình và sau đó sẽ cho bạn bài học rất giá trị. Mr Vas- chuyên gia đào tạo cao cấp Lập trình Ngôn ngữ Tư duy có nói “không có trải nghiệm xấu, chỉ có bài học”. Đó là bài học bỏ túi mà tôi luôn đem theo và đã giúp tôi rất nhiều khi có điều bất như ý đến.

Những người xung quanh sẽ cần đến chia sẻ của bạn về bài học quý giá mà bạn đã có qua trải nghiệm của chính mình. Hãy chăm sóc và tôn trọng bản thân, và hãy biết rằng sự nhạy cảm đặc biệt của bạn là điều sẽ giúp được rất nhiều người để họ có thể hiểu rõ hơn về bản thân họ

Bí mật thành công

Có ai thấy mình làm việc nhiều mà bị trả lương ít hơn so với người khác không. Đã hơn một lần tôi nghe về những lời phàn nàn như vậy.

Đúc kết kinh nghiệm làm việc hơn 25 năm trong vị trí quản lý của nhiều công ty, tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân chúng ta cần tìm hiểu để có cái nhìn khách quan, tìm ra giải pháp và vạch ra hướng đi đúng cho mình. Hôm nay, tôi xin kể một câu chuyện đâu đó na ná tương tự trong môi trường làm việc của tôi trước đây để chúng ta cùng chiêm nghiệm nhé.

Có một anh thanh niên làm việc tại một nhà máy. Người cố vấn già của anh – một kỹ thuật viên lâu năm đã dạy anh rằng: “Hãy nói ít, làm nhiều và không ngừng phát triển kỹ năng của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của nhà máy”.

Mười năm sau, ông cố vấn già nghỉ hưu và chàng trai trẻ đã trở thành một kỹ thuật viên độc lập. Anh ta tiếp tục làm công việc của mình với sự tận tâm và sự thông minh như đã được dạy bởi người cố vấn già. Một ngày nọ, anh đến thăm người cố vấn khi xưa. Ông lão thấy cậu có vẻ không vui, bèn hỏi cậu ta có chuyện gì buồn à.

Chàng trai thở dài và bắt đầu trút bầu tâm sự: “Cháu đã làm theo đúng những lời bác dạy. Đã bao năm qua, dù làm việc gì cháu cũng im lặng và tập trung vào công việc. Cháu tự thấy rằng mình đã hoàn thành tốt công việc ở nhà máy và đã học được tất cả các kỹ năng có thể học ở đó. Điều không thể hiểu là tại sao những người không có kinh nghiệm, hay năng lực làm việc yếu hơn cháu đều đã được thăng chức, lên lương. Trong khi cháu kiếm được rất ít và vẫn ở vị trí cũ như trước đây khi cháu là người học việc của bác”.

Ông già đáp: “Anh có suy nghĩ tích cực rằng anh đã trở thành người không thể thiếu trong nhà máy này không?”

Chàng thanh niên: “Dạ, có chứ bác”.

Ông già đi qua đi lại, suy nghĩ. Một lúc sau, ông quay sang chàng thanh niên: “Anh hãy xin nghỉ phép một vài ngày. Anh có thể dùng bất cứ lý do gì mình thích, đã đến lúc anh cần một chút thư giãn cho bản thân rồi đấy”.

Chàng trai trẻ rất ngạc nhiên trước lời khuyên này. Nhưng càng nghĩ, anh ta lại thấy có lý. Anh cảm ơn người cố vấn của mình và nhanh chóng đi về để làm đơn xin nghỉ phép.

Khi quay anh ta trở lại làm việc, người quản lý gọi anh vào phòng nói với anh rằng mọi thứ đã không suôn sẻ khi anh ấy vắng mặt. Những người khác gặp nhiều sự cố mà thông thường do anh xử lý và họ đã không biết cách làm thế nào để giải quyết chúng. Nhận thấy tầm quan trọng của anh, người quản lý đã quyết định đề bạt anh lên vị trí giám sát kỹ thuật và tăng lương cho anh, cảm ơn anh và mong anh tiếp tục duy trì công việc tốt.

Chàng trai trẻ thầm biết ơn sự thông thái của người cố vấn già. Anh ta nghĩ chắc chắn đây là bí quyết thành công. Và anh ta tiếp tục áp dụng cách này trong nhiều tháng sau đó.

Một ngày nọ, sau vài hôm nghỉ phép, khi quay lại làm việc, anh bị chặn lại không được vào nhà máy. Anh ta bị sốc rất nặng khi biết rằng mình đã bị sa thải. Không thể tin nổi, anh không biết phải làm gì khác. Sau đó, anh chợt nhớ tới và quay lại người cố vấn khi xưa của mình để cố gắng tìm hiểu xem mình đã làm gì sai.

Anh ta hỏi người cố vấn với niềm tự hào bị tổn thương nặng nề: “Tại sao cháu lại bị mất việc vậy bác? Có phải vì cháu đã làm gì sai với những điều bác đã dạy cháu không?”

Ông già lắc đầu: “Nhưng vì cậu đã chỉ nghe được một nửa bài học thôi. Cậu có thể hiểu rằng không ai để ý đến một bóng đèn khi nó luôn luôn được bật sáng. Chỉ khi nó bị tắt mọi người mới giật mình chú ý, và nhận ra rằng họ đã coi việc bóng đèn luôn luôn sáng là điều hiển nhiên. Cậu đã quá háo hức áp dụng sự hiểu biết này và đã bỏ ra về trước khi nghe tôi nói một nửa còn lại”.

Ngạc nhiên, anh thanh niên tròn mắt: “Còn một nửa nữa sao bác?”

Chàng trai bắt đầu nhận ra rằng anh đã mắc phải một sai lầm rất lớn.

Người cố vấn già chậm rãi: “Phần thứ hai quan trọng hơn phần đầu nhiều. Khi nhận ra rằng một bóng đèn bị chớp tắt thường xuyên quá, thì sớm hay muộn nó cũng cần được thay thế bằng bóng đèn khác, ổn định hơn”.

Bài học ngàn vàng

Ngày xửa ngày xưa, có một nhà hiền triết, trên đầu gậy của ông  treo một cái túi vải. Trong túi có chứa một bài học.

Ông hàng ngày đứng giữa chợ rao: “Có ai muốn mua bài học quý vô giá không?”. Ông rao hoài mà không ai dám hỏi, vì không biết vô giá là bao nhiêu. Rồi vài người tò mò hỏi ông “Bài học này ông bán bao nhiêu?”. Ông chỉ trả lời “Đây là bài học vô giá”. Nên ai ai hỏi đến cũng đều lắc đầu vì không dám hỏi mua.

Một hôm có việc, nhà vua và quân lính đi ngang chợ. Khi nhà vua đi qua, ông già rao to hơn nữa: “Có ai mua bài học quý vô giá không? Có ai mua bài học quý vô giá không?”. Nhà vua nghe thấy, tò mò, bèn ra lệnh cho quân lính chạy đến ông già và hỏi: “Bài học ông nói quý vô giá đó, ông định bán bao nhiêu?”. Ông già trả lời: “Bài học này tôi bán một ngàn lượng vàng”. Nhà vua lắc đầu: “Một ngàn lượng vàng, quá mắc. Làm sao mua được bài học? Mà học cái gì ở trong đó?”. Mặc dù không xuất tiền mua, nhưng nhà vua cũng chưa thoả chí tò mò. Nên bảo mấy tên lính đến trả giá thử. Từ 100 lượng vàng, rồi 200 lượng, sau đó lên 300 lượng, rồi 400 lượng và đến 500 lượng vàng nhưng ông già vẫn chưa chịu bán.

Nhà vua đi đến ông già gặng hỏi: “Tại sao bài học của ông đắt quá vậy, đến cả ngàn lượng vàng”. Ông già trả lời chậm rãi: “Thưa Bệ Hạ, người đời cái gì rẻ thì cho là đồ xấu, đồ giở. Cái gì thật đắt mới là đồ quý. Mà bài học của tôi rất quý, nếu tôi bán rẻ, người ta sẽ coi thường và không ai thèm ứng dụng. Cho nên, tôi bán rất đắt. Ai biết học, thì mua. Còn ai coi nó thường, thì thôi”. Nhà vua nghe cũng có lý.

Suy nghĩ một hồi, nhà vua đồng ý giá cả và yêu cầu ông già đưa cho coi bài học trước. Ông già nói: “Không được. Chỉ khi nào Bệ Hạ trả đủ vàng cho tôi, tôi mới trao bài học, tôi không thể đưa bài học trước cho Ngài được”. Nhà vua thấy ông già ngang ngạnh, nhà vua bực mình, nhưng vì quá tò mò, nên nhà vua đành chấp nhận.

Nhà vua bảo quân lính về kho lấy đủ vàng ra trả cho ông già. Sau khi bỏ đủ vàng vô túi, ông già trao cho nhà vua chiếc túi đựng bài học. Trong túi vải, có đựng một túi gấm nhỏ nhìn rất đẹp và sang trọng. Ông già dặn nhà vua rằng: “Bệ Hạ đừng vội xem, khi nào về triều đình thì hãy xem”. Rồi lão già cầm túi vàng đi mất.

Nhà vua kiên nhẫn trở về. Khi đến triều đinh, nhà vua hồi hộp, nhưng không dám mở túi ngay, vì nhỡ trong túi có bài học không quý như ông già nói thì nhà vua sẽ mất mặt trước quân lính và quần thần, họ sẽ cười và nói đến nhà vua cũng bị gạt. Đến tối, ngồi một mình trong phòng, nhà vua mở túi gấm ra xem, trong túi chỉ có một tờ giấy viết vỏn vẹn một câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Chỉ một câu nói quá đơn giản, mà phải trả đến một ngàn lượng vàng, nhà vua rất tức. Nhưng ông già thì đã đi mất rồi. Bây giờ chẳng làm được gì cả.

Rồi nhà vua suy nghĩ, trằn trọc không ngủ được. Bài học đơn giản ấy mà phải trả một ngàn lượng vàng, câu nói quá đắt ấy có ích lợi gì cho cuộc sống con người đây. Nhà vua ngẫm nghĩ, rồi cho rằng có lẽ là quý thiệt, hay mình thử xem sao.

Nhà vua cho viết ra thành nhiều bản và dán khắp nơi xung quanh chỗ mình ngồi. Hàng ngày đọc và nghiền ngẫm. Một hôm, có một người định đến ám sát vua. Mới vừa bước tới gần vua, ông nhìn thấy câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Ông giật mình, nghĩ “Mình giết vua thì sẽ bị tội chết, mình sẽ bị chặt đầu”. Nghĩ đến đó, ông buông gươm xuống đến lạy tạ tội với Đức Vua. Nhà vua giật mình. Nhờ bài học này mà cứu được mạng sống của mình.

Còn nhiều câu chuyện tiếp theo kể đến giá trị của bài học, nhưng tôi xin dừng ở đây. Tóm tắt, là nhờ bài học này mà nhà vua không bị ám sát, nhờ bài học này mà vương quốc không bị rơi vào tay quân giặc, và nhờ bài học này mà nhà vua tiếp tục trị vì đất nước ngày càng hưng thịnh.

Qua nhiều biến cố, nhà vua thấy được giá trị vô cùng quý giá của bài học và nhận ra rằng, bài học này giá một ngàn lượng vàng vẫn còn quá rẻ. Sau đó, nhà vua cho phổ biến rộng rãi đến toàn dân.

Bài học này cho chúng ta thấy rõ luật Nhân-Quả. Khi chúng ta toan tính làm việc gì, nếu chúng ta suy xét nhìn thấy trước hậu quả xấu của suy nghĩ, lời nói hay hành động đó, chúng ta biết kiềm chế dừng lại thì chúng ta sẽ tránh được những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ngược lại, khi chúng ta dự định làm việc gì mà chúng ta nhìn thấy kết quả tốt do suy nghĩ, lời nói hay hành động đó đem lại thì chúng ta sẽ nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực hiện và chắc chắn chúng ta sẽ có những thành quả tốt đẹp cho lựa chọn của mình.

Với bản thân tôi, tôi thường chậm lại một chút khi nhận thấy mình đang không hài lòng một việc gì đó. Tôi im lặng hay tạm tách ra khỏi hoàn cảnh lúc đó. Thường tôi áp dụng nguyên tắc “Sáu hơi thở” (bài học tôi học được từ “Mindfulness”). Sau sáu hơi thở, tôi bình tâm hơn. Và tôi đã tránh được rất nhiều câu nói đáng tiếc, hay những phản ứng mà nhờ đó đã giúp tôi giữ được hòa khí trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

Hơn thế nữa, tôi còn học được từ một vị thầy bài học ngược chiều với vài học Nhân-Quả ở trên. Đó là bài học “Nhìn thấy Quả, suy ngược lại Nhân”. Khi học được bài học này, tôi thấy mình bình tâm hơn khi nhìn thấy được hiện tại tôi đang “được” gì và tôi đang “bị” gì.

“Được” là những điều mà tôi thấy mình đang có được, những điều làm cho tôi vui, làm cho cuộc sống của tôi hạnh phúc và có giá trị. Tôi lần tìm về những suy nghĩ, hành động hay lời nói trong quá khứ đưa tôi đạt được điều đó. Tôi vẫn hàng ngày đang tiếp tục hành xử như thế để “Quả” của tôi ngày càng ngọt ngào hơn.

“Bị” là những điều làm cho cuộc sống hiện tại của tôi vẫn chưa hoàn hảo. Một ví dụ nho nhỏ về sức khỏe, tôi thấy sức khỏe của tôi vẫn chưa được ổn định. Tôi truy ngược lại những thói quen cũ và thấy mình cần thay đổi “Nhân” để có “Quả” khác đi. Tôi mong muốn sức khỏe ổn hơn, có nhiều năng lượng hơn để làm được nhiều việc mà nó sẽ đem lại nhiều giá trị cho bản thân tôi, cho người thân yêu của tôi, và xa hơn là cho xã hội xung quanh. Do đó, tôi bắt đầu thói quen đi bộ hàng ngày, đều đặn. Ban đầu, mỗi ngày tôi chỉ đi được 30 phút, đi rất chậm. Nhờ nỗ lực và nhận biết “quả” sẽ có do hành động này của tôi, tôi đã đi được nhanh hơn, và thậm chí đôi khi tôi đã chạy được nữa. Và tôi đã thấy sức khỏe bắt đầu cải thiện và chất lượng công việc tốt hơn.

Bài học này tôi viết cũng là cho bản thân tôi, chắc chắn tôi sẽ đọc lại khi cần một lời nhắc nhở.

Hy vọng việc chia sẻ bài học này của tôi được lan tỏa rộng hơn, xa hơn và giúp được nhiều bạn có nhiều “Quả ngọt” hơn nữa trong tương lai.