Đức Dalai Lama đã nói rằng: “Tất cả mọi thứ chúng ta làm đều hướng tới sự bình an và hạnh phúc”.
Thế nào là bình an – bình an là bạn không cảm thấy sợ hãi, hồi hộp hay lo lắng về bất kỳ điều gì. Trong thời buổi ngày nay, có một căn nhà để ở, có đủ điều kiện vật chất phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, không nợ nần, có công việc tốt, sức khỏe ổn định, con cái ngoan ngoan, v.v. Nhiêu đó là quá đủ và là niềm mơ ước của biết bao nhiêu người. Vậy mà có vô số người trong chúng ta đã có được tất cả những thứ ở trên đây hay thậm chí còn nhiều hơn, mà họ vẫn không cảm thấy bình an và hạnh phúc. Tại sao?
Khi đi về sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn bước vào nhà, căn nhà thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ, uống một ly nước cam, chà, cảm giác thật là dễ chịu. Thoáng chốc, bạn thấy bình yên. Một lát sau, bạn nhận được một cuộc điện thoại, bên kia đầu dây nói rằng có người nói điều không hay về bạn. Điều này làm bạn bực mình, khó chịu. Vậy là sự thoải mái đang có của bạn bỗng dưng tan biến đâu mất. Tối đó, trong tâm bạn cứ luẩn quẩn câu chuyện hồi tối, thế là bạn ngủ không ngon giấc. Như vậy, bạn có bình an không?
Có nghĩa là bình an của bạn phụ thuộc vào các đối tượng bên ngoài và hay hoàn cảnh thuận lợi.
Nhưng các đối tượng bên ngoài có luôn hiểu bạn và đối xử theo ý bạn không? Các yếu tố bên ngoài có luôn thuận lợi, luôn diễn ra theo ý thích của bạn hay trong tầm kiểm soát của bạn không. Thực tế là không. Bạn sẽ không và không bao giờ kiểm soát được những yếu tố bên ngoài, hay thay đổi được những điều xung quanh ta.
Như vậy, muốn có bình an, chúng ta cần phải làm sao?
Với những người có sự tu tập lâu ngày, họ sẽ dễ dàng lấy lại sự bình thản sau những cú sốc, duy trì được cảm giác an yên tự tại, những tác nhân xấu bên ngoài khó làm họ mất đi sự bình an, hay chỉ làm họ ảnh hưởng trong một thời gian rất ngắn, và họ sẽ lấy lại được sự quân bình trong tâm nhanh chóng.
Vậy làm sao để có được sự bình an như những người có tu tập đây. Các phương pháp tu tập là gì? Có cao siêu quá hay không, có khó thực hiện hay không?
Xin thưa, phương pháp là có, thậm chí không ít. Nhưng quan trọng của việc tu tập là sự quyết tâm, kiên trì thực hành liên tục thường xuyên. Bởi vì chúng ta cần phải thay đổi những thói quen cũ đã thành tập nghiệp bao nhiêu năm nay, nên sự tu tập để thay đổi rất cần thời gian và lòng quyết tâm, kiên trì thực hành liên tục.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp để bạn luyện tập cho bản thân, bạn có thể chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Vì lợi ích và bình an của bạn, nên bạn kiên trì thực hiện nhé. Quả ngọt sẽ chỉ đến với ai biết chọn hạt giống tốt để gieo trồng, tưới tẩm và chăm sóc cây đều đặn thường xuyên mà thôi.
Phương pháp 1 – Tiếp cận với thiên nhiên
Tiếp cận với thiên nhiên không cần bạn phải đi đâu xa hay tách ra khỏi môi trường náo nhiệt bạn đang sống hàng ngày cả, mà đơn giản bạn có thể chọn ngồi ở một góc yên tĩnh, ngắm nhìn một chậu cây nhỏ. Hay có thể tìm một nơi không có đám đông, hãy dành một thời gian rảnh trong tuần và chọn một góc vắng vẻ, yên tĩnh, ngồi để tâm bạn lắng lại và không suy nghĩ. Bạn nên thực hiện điều này thường xuyên. Bình yên bên ngoài sẽ giúp bạn dễ có được sự tĩnh lặng bên trong.
Có một cái gì đó rất yên bình và thanh thản khi bạn tiếp xúc với thiên nhiên, cây cối, nghe chim hót. Đối với tôi, thiên nhiên được ưu tiên hàng đầu khi bạn cần sự yên tĩnh vì thiên nhiên chỉ đón nhận bạn mà không bao giờ phản ứng hay khiển trách bạn điều gì cả, cho dù bạn có phạm sai lầm lớn đến đâu. Đây là điều đặc biệt mà bạn sẽ không tìm được ở bất cứ đối tượng nào. Đó là lý do tại sao tôi lại đề nghị lựa chọn tiếp cận với thiên nhiên đầu tiên.
Phương pháp 2 – Thực hành lòng biết ơn
Frank A.Clark, một luật sư và chính trị gia của Mỹ có nói: “Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu luôn luôn nhìn thấy những gì mình không có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ được”. Cảm giác thiếu thốn cũng làm cho bạn bất an. Khi thấy đủ, bạn sẽ cảm thấy bình an hơn.
Bạn có thể thực hành lòng biết ơn 30 ngày qua những thông điệp trong trang Blog của tôi. Giá trị của lòng biết ơn rất nhiều: Khi bạn thực hành lòng biết ơn, bạn sẽ thấy mình đã được trao tặng rất nhiều điều. Lòng biết ơn giúp chúng ta thoát cái khỏi bẫy của sự so sánh. Nền tảng của sự đủ đầy chính là ghi nhận những điều tốt đẹp bạn đang có trong cuộc sống hôm nay.
Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy nhẩm 10 điều biết ơn, hãy biết ơn từ những điều bình dị nhất. Sau đây là những điều tôi biết ơn hàng ngày mà bạn có thể tham khảo.
Bạn sẽ luôn có những điều để thực hành lòng biết ơn, sẽ là nhiều hơn bạn nghĩ. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn lại ôn lại những điều biết ơn và bạn sẽ đi vào giấc ngủ với tâm thái nhẹ nhàng, êm ái.
Phương pháp 3 – Hãy để ý việc ăn uống
Đôi khi ăn uống không đầy đủ là nguyên nhân chính khiến bạn mất năng lượng dẫn đến việc cáu gắt. Có thể bạn đã quá tập trung vào công việc mà lơ là chuyện ăn uống, không đầy đủ, không đúng bữa. Cân bằng ăn uống sẽ giúp bạn bảo tồn năng lượng. Tôi cũng hay mắc phải điều này nên hay tự nhắc nhở mình để giữ được sự cân bằng sức khỏe hơn.
Hơn nữa, khi chúng ta để tâm, chúng ta sẽ thưởng thức món ăn một cách trọn vẹn, cơ thể sẽ chế tạo một số enzym tốt giúp giảm căng thẳng – một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự bình an của ta.
Phương pháp 4 – Luôn chỉ tập trung vào những điều mà bạn có thể kiểm soát
Có rất nhiều thứ trên đời này chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng ta lại cố gắng kiểm soát chúng, và khi không được như ý, sẽ làm ta cảm thấy căng thẳng, cáu gắt, bực mình. Vì vậy, hãy luôn cố gắng phớt lờ những thứ không thể kiểm soát ấy.
Tôi không có ý bạn cần phải phớt lờ mọi thứ, hay ngừng đối mặt với những vấn đề, tôi chỉ muốn nói rằng bạn không nên cố gắng quá sức với tất cả những vấn đề khó khăn lặp đi lặp lại, nếu điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Đôi khi việc chấp nhận sự việc ngoài tầm kiểm soát sẽ giúp cuộc sống của bạn nhẹ nhàng hơn.
Phương pháp 5 – Không nên cường điệu hóa sự việc
Đôi lúc những việc vớ vẩn hay vô nghĩa lại tạo ra căng thẳng không cần thiết cho bạn. Hãy đừng cường điệu hóa mọi vấn đề.
Có những việc hôm nay được xem là chuyện lớn, nhưng ngày mai lại là chuyện nhỏ, việc xảy ra trong năm nay dù có lớn đến mấy, sang năm chỉ còn là câu chuyện. Khi bạn đang phải đối mặt với một thảm họa lớn, bạn hãy thử hỏi bản thân “Liệu vấn đề này có ảnh hưởng đến tôi sau 3 hay 5 năm nữa hay không”. Trả lời câu hỏi đơn giản này sẽ giúp bạn nhìn ra bức tranh rộng hơn và bạn sẽ thấy bình tâm hơn. Vì hầu hết thời gian, chúng ta là những người đang làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bản chất vốn có của nó.
Phương pháp 6 – Thư giãn
Bạn cần thư giãn. Nhớ hít thở sâu và chậm vài hơi khi quá căng thẳng, việc này sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực tức thời – giống như xì bớt hơi của một quả bóng đang căng cứng vậy.
Nếu trong một tình huống quá căng thẳng, bạn nên có một cuộc đi bộ đường dài hoặc tách ra khỏi trạng thái hiện tại một thời gian. Thời gian tránh xa áp lực vừa đủ dài sẽ giúp bạn lấy lại được cân bằng và phục hồi năng lượng.
Phương pháp 7 – Tập thể dục thường xuyên
Bạn đã bao giờ nhận thấy mình cảm thấy thoải mái như thế nào sau khi tập gym chưa? Việc tập thể dục giúp ta chuyển hướng sự chú ý của mình, tạm thoát ra khỏi những suy nghĩ vớ vẩn, nghĩa là nó đang giúp tái tổ chức hoặc làm mới tâm trí của chúng ta.
Tập thể dục không chỉ tốt cho cơ thể mà còn cho tâm trí của bạn, nó còn giúp bạn duy trì được sự cân bằng thân và tâm, bên trong lẫn bên ngoài.
Phương pháp 8 – Thiền
Nếu bạn muốn trải nghiệm Sự bình an nội tại (Peace of Mind) trong cuộc sống của mình, thì không gì tốt hơn là thiền định. Tại sao?
Bởi vì thiền định là tĩnh tâm. Thực hành thiền thường xuyên giúp bạn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và nhận thức rõ hơn về tình huống hoặc thực tế hiện tại của bạn mà không cảm thấy vướng bận về mặt cảm xúc hoặc phản ứng với nó. Ngày nay có rất nhiều bài hướng dẫn thiền trên YouTube giúp bạn thực tập. Nếu không hay chưa sắp xếp được việc học thiền một cách bài bản, thì hành thiền theo hướng dẫn cũng là bước khởi đầu tốt cho việc tiếp cận với thiền.
Khi bạn thực hành thiền, bạn không chỉ học cách quan sát mọi thứ mà còn học cách chấp nhận chúng. Nói cách khác, bạn cần học cách ngồi với chính mình, quan sát suy nghĩ của mình và ngừng bám vào cảm xúc.
Nhưng Thiền thực sự không dễ dàng với nhiều người. Tâm trí chúng ta ngày nay đã hình thành nên tình trạng có thể tồn tại hàng trăm suy nghĩ khác nhau cùng một lúc, tức là tâm trí chúng ta không dừng việc suy nghĩ lại được và rất khó để ngồi yên mà không suy nghĩ.
Vì vậy, trước tiên, chúng ta phải tập từng bước. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm một nơi yên tĩnh để thực hành thiền, bắt đầu thực tập từ 2 phút, rồi dần tăng lên. Việc thực hành thiền là một quá trình thực tập. Nó không khó như bạn tưởng, nên bạn hãy bắt đầu vì đây là phương pháp được rất nhiều người chứng minh là tuyệt vời, thực sự giúp bạn có được bình an trong tâm hồn.
Bản thân tôi đều thực tập thiền mỗi ngày, buổi sáng khi vừa thức dậy hay buổi tối trước khi đi ngủ. Đặc biệt, khi quá căng thẳng hoặc bị áp lực, tôi cũng ngồi thiền. Chỉ sau một thời thiền 30 phút, bạn sẽ lấy lại được cân bằng tức thời.
Phương pháp 9 – Cần đặt ra ranh giới cho riêng mình
Đa số việc suy nghĩ thái quá là yếu tố chính gây ra căng thẳng cho ta. Chúng ta bận rộn vì chúng ta không biết đâu là giới hạn của mình trong việc giải quyết mọi vấn đề. Và nếu chúng ta không đạt được kết quả như ý sau khi đã cố gắng trong một thời gian dài, ta lại trở nên cáu kỉnh và khó chịu hơn.
Vì vậy, hãy ngưng làm vài thứ không thực sự liên quan đến mình, ôm đồm mọi việc chẳng phải là điều hay, mà chỉ làm mất năng lượng của bạn mà thôi.
Phương pháp 10 – Giúp đỡ người khác
Đôi khi đây sẽ là một cách tuyệt vời để chuyển sự chú ý của bạn ra khỏi các vấn đề của riêng bạn. Khi bạn giúp được người khác, bạn cảm thấy vui và điều đó cũng giúp bạn thấy rằng ai ai cũng có khó khăn riêng.
Khi bạn giúp đỡ ai đó, đôi lúc bạn nhận ra rằng thế giới này đầy rẫy những vấn đề và có nhiều vấn đề lớn hơn của bạn rất nhiều. Đôi khi vấn đề của bạn hiện tại chẳng là gì cả so với người khác. Điều này sẽ giúp bạn nhìn lại vấn đề của bạn nhẹ nhàng hơn và giúp bạn bớt đau khổ.
Phương pháp 11 – Cố gắng tập trung vào những ký ức đẹp
Chúng ta thường hay bị mắc kẹt vào những ký ức tồi tệ thay vì nhớ những kỷ niệm đẹp.
Ai cũng đã từng trải qua một số thất bại trước đây. Thay vì hồi tưởng những trải nghiệm đau khổ, bạn nên nhắc nhở bản thân rằng mình đã rất mạnh mẽ thì mới chịu đựng được một vấn đề to lớn trước đây như vậy. Đây là việc chúng ta sử dụng suy nghĩ theo ý mình thay vì để suy nghĩ tiêu cực lôi ta đi theo hướng xấu.
Chỉ những người có bản lĩnh và có khả năng giải quyết vấn đề mới gặp nhiều rắc rối như vậy. Giống như học sinh giỏi mới được giáo viên đưa ra đề bài khó. Cuộc đời cũng vậy. Hãy tự hào vì đã trải qua những khó khăn trước đây thay vì buồn khổ vì chúng.
Chúng ta luôn có sự tự do lựa chọn, chọn nhớ lại những ký ức xấu hay chọn nhớ về những điều tốt mà bạn đã có, điều nào tốt hơn cho bạn. Bạn hãy tự trả lời nhé!
Phương pháp 12 – Đừng cố gắng thay đổi người khác
Bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công nếu bạn cố gắng thay đổi chính mình chứ không phải thay đổi người khác.
Thay đổi bản thân đã khó. Vậy làm thế nào bạn có thể xoay sở để thay đổi một người khác cơ chứ? Điều quan trọng là chăm sóc bản thân về tinh thần và thể chất hơn là tập trung vào một ai khác.
Ăn uống hợp lý, thiền, yoga và tập thể dục thường xuyên và sống thật với bản thân sẽ giúp bạn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Không cần phải làm cho người khác hạnh phúc. Hãy tự tin và giữ cuộc sống của bạn trong tầm kiểm soát. Tránh chạy theo những thứ mà xã hội đã coi là quan trọng. Tất cả những thành tựu của thế giới không bao giờ có thể thay thế được hòa bình bên trong bản thân bạn.
Hãy quyết định và làm cho chính mình và sống cuộc sống như bạn muốn sống.
Phương pháp 13 – Hãy hỏi thay vì phỏng đoán
Đôi khi, những giả định lại trở thành nguyên nhân chính khiến bạn căng thẳng. Thật sự là bạn không thể đọc được suy nghĩ của người khác. Vì vậy, hãy cố gắng giao tiếp và hỏi để biết sự thật và thay vì phỏng đoán hay giả định. Đôi khi việc mở miệng hỏi có thể hơi khó khăn, nhưng điều này sẽ giúp bạn khỏi đau đầu khi cố gắng phân tích mọi việc theo góc nhìn cá nhân của mình. Vì nhiều khi nhìn như vậy nhưng sự việc lại không phải như bạn nghĩ.
Phương pháp 14 – Đừng cố gắng trở thành một người đa nhiệm (multi-task)
Đôi khi đa nhiệm có thể gây căng thẳng cho bạn. Nhưng làm từng việc một sẽ giúp bạn tập trung và bình tĩnh hơn. Lời nhắc nhở trên sẽ là kim chỉ nam giúp bạn hoàn thành công việc của mình một cách tốt hơn và nhanh hơn.
Dù rằng đa nhiệm giúp chúng ta hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và cũng giúp chúng ta có tinh thần mạnh mẽ và nhạy bén. Nhưng không phải lúc nào đa nhiệm cũng tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Do đó, hãy cố gắng tránh thực hiện công việc đa nhiệm trong thời gian dài.
Kết luận.
Nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn cần sự bình yên bên trong lẫn bên ngoài vì cả hai đều có liên quan mật thiết với nhau. Bây giờ nếu bạn không thể tìm thấy bình an nội tâm bên trong, bạn sẽ không tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào khác đâu.
Đôi khi chúng ta sẽ quên những phương thức giúp ta tăng trưởng sự bình an nội tâm. Đọc lại những phương pháp này thường xuyên sẽ giúp bạn nhớ hơn và duy trì thực tập đều đặn. Bản thân tôi cũng vậy, tôi hay đọc lại các bài viết của chính mình để nhắc nhở bản thân, siêng năng thực hành hầu hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày.
Chúc bạn thành công và tăng trưởng sự bình an hơn mỗi ngày.