Bí mật thành công

Có ai thấy mình làm việc nhiều mà bị trả lương ít hơn so với người khác không. Đã hơn một lần tôi nghe về những lời phàn nàn như vậy.

Đúc kết kinh nghiệm làm việc hơn 25 năm trong vị trí quản lý của nhiều công ty, tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân chúng ta cần tìm hiểu để có cái nhìn khách quan, tìm ra giải pháp và vạch ra hướng đi đúng cho mình. Hôm nay, tôi xin kể một câu chuyện đâu đó na ná tương tự trong môi trường làm việc của tôi trước đây để chúng ta cùng chiêm nghiệm nhé.

Có một anh thanh niên làm việc tại một nhà máy. Người cố vấn già của anh – một kỹ thuật viên lâu năm đã dạy anh rằng: “Hãy nói ít, làm nhiều và không ngừng phát triển kỹ năng của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của nhà máy”.

Mười năm sau, ông cố vấn già nghỉ hưu và chàng trai trẻ đã trở thành một kỹ thuật viên độc lập. Anh ta tiếp tục làm công việc của mình với sự tận tâm và sự thông minh như đã được dạy bởi người cố vấn già. Một ngày nọ, anh đến thăm người cố vấn khi xưa. Ông lão thấy cậu có vẻ không vui, bèn hỏi cậu ta có chuyện gì buồn à.

Chàng trai thở dài và bắt đầu trút bầu tâm sự: “Cháu đã làm theo đúng những lời bác dạy. Đã bao năm qua, dù làm việc gì cháu cũng im lặng và tập trung vào công việc. Cháu tự thấy rằng mình đã hoàn thành tốt công việc ở nhà máy và đã học được tất cả các kỹ năng có thể học ở đó. Điều không thể hiểu là tại sao những người không có kinh nghiệm, hay năng lực làm việc yếu hơn cháu đều đã được thăng chức, lên lương. Trong khi cháu kiếm được rất ít và vẫn ở vị trí cũ như trước đây khi cháu là người học việc của bác”.

Ông già đáp: “Anh có suy nghĩ tích cực rằng anh đã trở thành người không thể thiếu trong nhà máy này không?”

Chàng thanh niên: “Dạ, có chứ bác”.

Ông già đi qua đi lại, suy nghĩ. Một lúc sau, ông quay sang chàng thanh niên: “Anh hãy xin nghỉ phép một vài ngày. Anh có thể dùng bất cứ lý do gì mình thích, đã đến lúc anh cần một chút thư giãn cho bản thân rồi đấy”.

Chàng trai trẻ rất ngạc nhiên trước lời khuyên này. Nhưng càng nghĩ, anh ta lại thấy có lý. Anh cảm ơn người cố vấn của mình và nhanh chóng đi về để làm đơn xin nghỉ phép.

Khi quay anh ta trở lại làm việc, người quản lý gọi anh vào phòng nói với anh rằng mọi thứ đã không suôn sẻ khi anh ấy vắng mặt. Những người khác gặp nhiều sự cố mà thông thường do anh xử lý và họ đã không biết cách làm thế nào để giải quyết chúng. Nhận thấy tầm quan trọng của anh, người quản lý đã quyết định đề bạt anh lên vị trí giám sát kỹ thuật và tăng lương cho anh, cảm ơn anh và mong anh tiếp tục duy trì công việc tốt.

Chàng trai trẻ thầm biết ơn sự thông thái của người cố vấn già. Anh ta nghĩ chắc chắn đây là bí quyết thành công. Và anh ta tiếp tục áp dụng cách này trong nhiều tháng sau đó.

Một ngày nọ, sau vài hôm nghỉ phép, khi quay lại làm việc, anh bị chặn lại không được vào nhà máy. Anh ta bị sốc rất nặng khi biết rằng mình đã bị sa thải. Không thể tin nổi, anh không biết phải làm gì khác. Sau đó, anh chợt nhớ tới và quay lại người cố vấn khi xưa của mình để cố gắng tìm hiểu xem mình đã làm gì sai.

Anh ta hỏi người cố vấn với niềm tự hào bị tổn thương nặng nề: “Tại sao cháu lại bị mất việc vậy bác? Có phải vì cháu đã làm gì sai với những điều bác đã dạy cháu không?”

Ông già lắc đầu: “Nhưng vì cậu đã chỉ nghe được một nửa bài học thôi. Cậu có thể hiểu rằng không ai để ý đến một bóng đèn khi nó luôn luôn được bật sáng. Chỉ khi nó bị tắt mọi người mới giật mình chú ý, và nhận ra rằng họ đã coi việc bóng đèn luôn luôn sáng là điều hiển nhiên. Cậu đã quá háo hức áp dụng sự hiểu biết này và đã bỏ ra về trước khi nghe tôi nói một nửa còn lại”.

Ngạc nhiên, anh thanh niên tròn mắt: “Còn một nửa nữa sao bác?”

Chàng trai bắt đầu nhận ra rằng anh đã mắc phải một sai lầm rất lớn.

Người cố vấn già chậm rãi: “Phần thứ hai quan trọng hơn phần đầu nhiều. Khi nhận ra rằng một bóng đèn bị chớp tắt thường xuyên quá, thì sớm hay muộn nó cũng cần được thay thế bằng bóng đèn khác, ổn định hơn”.