Xu thế hiện đại – Ảnh hưởng và giải pháp

Cuộc sống hôm nay đang nở rộ rất nhiều phương tiện đại chúng và vô số các ứng dụng thông minh, đủ các thể loại như FaceBook, YouTube, TikTok, Instargram, Viber và các kiểu Apps, v.v.

Những ứng dụng thông minh ấy hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc tiếp cận thông tin, giải trí, trò chơi thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội và hỗ trợ trong cả kinh doanh nữa. Bên cạnh mặt có lợi, thì ta cũng cần lưu ý đến mặt tác hại của chúng, vì ảnh hưởng của chúng rất lớn, rất thầm lặng và vô tình. Chúng ngấm ngầm ảnh hưởng đến cuộc sống của ta một cách vô tình và nghiêm trọng mà ta không hề hay biết.

Thái độ đón nhận thông tin và thời gian sử dụng những ứng dụng thông minh đang vô tình và thầm lặng ảnh hưởng rất lớn, thậm chí nghiêm trọng đến cuộc sống và tương lai của chúng ta, đặc biệt là ở các bạn trẻ. Và vì là vô tình nên chúng ta không biết để tránh những tác hại ấy mới là điều đáng nói. Tôi lập lại từ “vô tình và thầm lặng” nhiều lần ở đây là có chủ ý.

Các bạn có cảm thấy mình bị tụt lùi về khả năng suy nghĩ hay khả năng tập trung? Mất dần khả năng tư duy và tính sáng tạo? Có những thói quen hàng ngày làm cho chúng ta trở nên lười biếng, kém tập trung, và hệ quả là dẫn đến việc thiếu ý chí trong cuộc sống, mất phương hướng, không biết mình muốn gì cho tương lai, v.v… nói chung điều này có thể kéo xuống thấp cả một nghị lực sống của bạn. Lý do chính là chúng ta đang bị giảm khả năng động não.

Nói cách khác, chúng ta phần nào vô tình tự hủy hoại sự phát triển trí não của mình. Nguy hiểm của sự vô tình là vì ta không chủ ý nên ta không biết để mà né tránh và tìm cách thay đổi.

Những tác hại của việc “Giảm khả năng động não” là:

  • Giảm dần đến mất hẳn tư duy sáng tạo. Lười động não, mất khả năng quan sát, phân tích và đúc kết.
  • Không còn hoài bão và những ước mơ lớn cho cuộc đời. Không biết mình muốn gì và phụ thuộc vào quyết định của người khác. Không tự định hướng được tương lai của mình.
  • Mất khả năng suy nghĩ thấu đáo mọi sự việc. Không còn khả năng suy nghĩ lâu. Mất dần tính kiên nhẫn và dễ bị nản lòng. Tinh thần này lan tỏa đến cả tính cách xử lý mọi việc trong cuộc sống.

Những liệt kê ở trên chỉ là là một phần nhỏ của tác hại, phân tích sâu hơn thì nhiều vô kể. Tuy vậy, các bạn đừng quá bi quan. Vì khi đã nhận biết về tác hại, chúng ta sẽ tìm giải pháp để khắc phục và cải thiện cuộc sống ngay từ hôm nay nếu bạn có định hướng và quyết tâm.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn đến 6 giải pháp để cải thiện, bạn có thể tùy chọn phương pháp phù hợp nhất với mình để áp dụng. Nên nhớ, các bạn không cần áp dụng tất cả, chỉ cần chọn 1 hoặc 2 phương pháp, nhưng quan trọng là bạn áp dụng một cách kiên trì và quyết tâm, chắc chắc các bạn sẽ thành công. Cuộc sống các bạn sẽ thay đổi và có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Giải pháp 1: Giảm xem video clip ngắn

Giảm ngay việc xem những video clip ngắn trên FaceBook, TikTok hay YouTube. Vì việc xem những clip ngắn và cực ngắn sẽ đưa bạn đến một tình trạng siêu thụ động trong việc tiếp thu thông tin.

Các phương tiện truyền thông lại càng góp phần nhiều hơn cho sự giảm tư duy sáng tạo, giảm khả năng động não từ việc tiêu thụ những video clip cực ngắn. Thời gian ngấm thông tin vào đầu chưa kịp thấm thì clip đã kết thúc. Cụ thể là TikTok, thường chúng ta chỉ chọn xem một vài clip đầu, nhưng sau đó lại do hệ thống tự đề xuất những clip ngắn mới tương tự làm người xem bị cuốn hút theo. Mặc dù mỗi clip chừng 30 giây đến 1 phút, nhưng thực tế là chúng ta sẽ bị cuốn theo và kết quả là đã dùng quá nhiều thời gian cho việc xem những clip ngắn, đâm ra tổng thời gian lại chiếm rất nhiều.

Việc dừng xem những clip ngắn giúp ta giảm dần sự thụ động trong việc tiếp nhận thông tin. Trí não chúng ta mới có khoảng trống cho việc suy nghĩ và tư duy được. Các bạn có thể tìm và cài đặt “ứng dụng theo dõi thời gian sử dụng app”, với ứng dụng này bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được mỗi ngày bạn tiến bộ bao nhiêu trong việc giảm dần thời gian trên điện thoại của mình. Ban đầu thay đổi thói quen, bạn sẽ thấy khó chịu, nhưng chỉ vài bữa bạn sẽ quen, khi thích nghi, bạn sẽ thấy được lợi ích của nó.

Giải pháp 2: Giải quyết vấn đề bằng cách liệt kê.

Giải quyết vấn đề bằng cách liệt kê. Phương pháp liệt kê có thể áp dụng trong mọi tình huống. Khi có một vấn đề cần suy nghĩ hay giải quyết, bạn hãy liệt kê tất cả các giải pháp mà bạn nghĩ tới. Một nhắc nhở quan trọng cho phương pháp này là, khi liệt kê, bạn không cần quan tâm đến tính khả thi của giải pháp. Trong đầu nghĩ đến đâu bạn cứ ghi xuống. Bạn sẽ ngạc nhiên vì sẽ có rất nhiều giải pháp và hướng đi cho một vấn đề bạn đang gặp phải.

Sau đó, bạn quay lại và xem giải pháp nào bạn có thể triển khai thực hiện. Bạn có thể lên mạng tham khảo các ví dụ tương tự, hay có thể đi hỏi những người kinh nghiệm đi trước. Bạn an tâm, với phương tiện truyền thông hiện nay, bạn sẽ có được rất nhiều nguồn hỗ trợ cho các giải pháp mà bạn liệt kê. Khi tìm tòi và nghiên cứu, bạn sẽ kiếm được nhiều thông tin và hướng đi hữu ích hơn bạn nghĩ, việc đó sẽ giúp bạn rất nhiều.

Giải pháp liệt kê này là một phần quan trọng cho sự phát triển định hướng, phân tích và đúc kết. Đây là phương pháp được áp dụng hiệu quả cho tất cả các tình huống từ nhỏ đến lớn, từ chuyện gia đình đến công việc và cả những dự án lớn ngoai xã hội. Khi liệt kê ra, thông tin sẽ rõ ràng hơn và bạn phá vỡ được tính mơ hồ của việc suy nghĩ lan man và linh tinh với nhiều thứ hỗn độn trong đầu.

Tôi cũng đang áp dụng phương pháp này vì nó giúp tôi có được nhiều sự lựa chọn và hoạch định hướng đi rõ ràng cho điều mình muốn.

Giải pháp 3: Từ chối tiêu thụ thông tin nhanh.  

Cần kiên quyết từ chối tiêu thụ thông tin nhanh. Khi tiêu thụ thông tin quá nhanh, xu hướng của não bộ chúng ta sẽ dễ quên những thông tin đó. Mới đầu ta tưởng là có được rất nhiều thông tin trong một thời gian ngắn, nhưng việc quên những thông tin ấy cũng rất nhanh. Như vậy việc lưu lại thông tin hữu ích trong bộ nhớ của bạn là không có, chỉ uổng phí thời gian của bạn mà thôi.

Đọc sách là lựa chọn rất tốt. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, bạn có thể nghe sách bằng Podcast hay trên Youtube, nhưng đọc sách giấy (hay ebook) vẫn là lựa chọn tối ưu. Quan trọng là bạn cần đọc liên tục ít nhất 20 phút để nắm bắt được mạch chuyện. Nếu chưa nắm được mạch chuyện, hãy chậm lại hay đọc lại những trang vừa qua. Bạn đừng quá lo về việc mất thời gian, vì chỉ cần sau một thời gian ngắn, tốc độ đọc và khả năng nắm bắt của bạn tăng lên rất nhanh. Và kết quả là khả năng tư duy của bạn được phục hồi và phát triển.

Khi xem phim cũng vậy, hãy rời xa cái điện thoại và tập trung trọn vẹn vào việc xem phim. Việc xem một cuốn phim liên tục góp phần tăng tính tập trung của bộ não. Bên cạnh đó, bạn hãy tận hưởng giây phút đắm chìm trong câu chuyện của cuốn phim. Chỗ nào hay, hãy dừng và xem lại. Bạn sẽ có thêm nhiều bài học giá trị.

Bạn đừng lo mất thời gian khi mới bắt đầu áp dụng phương pháp này. Chậm trong ngắn hạn, nhưng bạn sẽ nhanh trong dài hạn.

Giải pháp 4: Đặt câu hỏi tại sao?

Hãy đặt câu hỏi cho mọi sự việc, và cho mọi tình huống.

Khi thấy người khác thành công. Hãy hỏi tại sao?

Khi thấy một sản phấm được ưa chuộng. Hãy hỏi tại sao?

Khi thấy họ bán hàng thành công. Hãy hỏi tại sao?

Khi bạn cảm thấy bực bội hay khó chịu. Hãy hỏi tại sao?

Khi bạn sợ không làm được một việc gì đó. Hãy hỏi tại sao?

Khi bạn không hài lòng về việc gì đó. Hãy hỏi tại sao?

Khi bạn buồn bực về một ai đó. Hãy hỏi tại sao?

V.v…

Vì chỉ khi đặt câu hỏi, bạn mới có cơ hội tìm tòi, phân tích và biết được tại sao mình lại thất bại trong việc này, và yếu tố nào làm cho mình thành công trong việc kia. Khi tìm hiểu để trả lời các câu hỏi tại sao, bạn sẽ biết cái gì là tốt để áp dụng, cái gì là không cần thiết để khỏi mất thời gian vô ích, cái gì là cần học hỏi để ứng dụng cho hoàn cảnh của mình. Điều gì không đáng để tâm. Càng trả lời nhiều câu hỏi tại sao, bạn sẽ có con đường đi đến sự hoàn hảo hơn của mình. Đó là vốn liếng của bạn để đi đến thành công, phát triển trí tuệ và thành công trong cuộc sống hơn nữa.

Giải pháp 5: Viết mỗi ngày

Bắt đầu viết mỗi ngày, viết càng nhiều càng tốt. Khi viết là bạn đang tạo ra dòng chảy – kết nối giữa suy nghĩ và thực tế. Khi viết ra, bạn nhìn ra một cách rõ ràng các suy nghĩ của mình, những tâm tư và suy nghĩ vô hình trong đầu sẽ được cụ thể hóa.

Viết là thói quen tập thể dục cho não và làm cho bộ não phát triển tính tư duy.

Tôi đã rất khó khăn khi bắt đầu viết blog. Sau khi chia tay công việc văn phòng, tôi có một thời gian rất dài không có nhu cầu viết lách. Những bài viết đầu tiên của tôi rất ngắn và cục mịch, nhưng nhờ luyện tập đều đặn, tôi đã viết được dài hơn và nội dung chất lượng hơn trước đây. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng có những bài viết hay và có giá trị, giúp giải quyết được những vấn đề của bản thân và chia sẻ đến bạn đọc những bài học giúp ích cho cuộc sống.

Tôi làm được thì chắc chắc các bạn cũng làm được, quan trọng là sự quyết tâm, và sự luyện tập kiên trì.

Giải pháp 6: Đọc sách và đi bộ

Đọc sách và đi bộ – tôi thích nhất điều này. Mỗi ngày tôi đều dành thời gian cho việc nghe hoặc đọc ít nhất một nội dung sách. Và trung bình tôi đi bộ ít nhất một tiếng mỗi ngày. Khi đi bộ, tôi nghĩ về cái gì mình vừa đọc xong. Khi nghĩ về nội dung vừa đọc, ngoài việc luyện tập sự tăng trưởng trí nhớ cho não, bạn sẽ hiểu sâu hơn về kiến thức tiếp thu. Sự hiểu biết của bạn sẽ tăng lên. Ngoài ra, bạn còn có thể phát triển thêm trí tưởng tượng của mình cho một đề tài nào đó mà bạn quan tâm. Đây là lúc tư duy của bạn được kích hoạt và phát triển.

Chúc bạn chọn được phương pháp phù hợp và thành công cho việc phát triển tư duy. Nên nhớ, đều đặn và kiên trì là nền tảng của thành công.