Bài học ngàn vàng

Ngày xửa ngày xưa, có một nhà hiền triết, trên đầu gậy của ông  treo một cái túi vải. Trong túi có chứa một bài học.

Ông hàng ngày đứng giữa chợ rao: “Có ai muốn mua bài học quý vô giá không?”. Ông rao hoài mà không ai dám hỏi, vì không biết vô giá là bao nhiêu. Rồi vài người tò mò hỏi ông “Bài học này ông bán bao nhiêu?”. Ông chỉ trả lời “Đây là bài học vô giá”. Nên ai ai hỏi đến cũng đều lắc đầu vì không dám hỏi mua.

Một hôm có việc, nhà vua và quân lính đi ngang chợ. Khi nhà vua đi qua, ông già rao to hơn nữa: “Có ai mua bài học quý vô giá không? Có ai mua bài học quý vô giá không?”. Nhà vua nghe thấy, tò mò, bèn ra lệnh cho quân lính chạy đến ông già và hỏi: “Bài học ông nói quý vô giá đó, ông định bán bao nhiêu?”. Ông già trả lời: “Bài học này tôi bán một ngàn lượng vàng”. Nhà vua lắc đầu: “Một ngàn lượng vàng, quá mắc. Làm sao mua được bài học? Mà học cái gì ở trong đó?”. Mặc dù không xuất tiền mua, nhưng nhà vua cũng chưa thoả chí tò mò. Nên bảo mấy tên lính đến trả giá thử. Từ 100 lượng vàng, rồi 200 lượng, sau đó lên 300 lượng, rồi 400 lượng và đến 500 lượng vàng nhưng ông già vẫn chưa chịu bán.

Nhà vua đi đến ông già gặng hỏi: “Tại sao bài học của ông đắt quá vậy, đến cả ngàn lượng vàng”. Ông già trả lời chậm rãi: “Thưa Bệ Hạ, người đời cái gì rẻ thì cho là đồ xấu, đồ giở. Cái gì thật đắt mới là đồ quý. Mà bài học của tôi rất quý, nếu tôi bán rẻ, người ta sẽ coi thường và không ai thèm ứng dụng. Cho nên, tôi bán rất đắt. Ai biết học, thì mua. Còn ai coi nó thường, thì thôi”. Nhà vua nghe cũng có lý.

Suy nghĩ một hồi, nhà vua đồng ý giá cả và yêu cầu ông già đưa cho coi bài học trước. Ông già nói: “Không được. Chỉ khi nào Bệ Hạ trả đủ vàng cho tôi, tôi mới trao bài học, tôi không thể đưa bài học trước cho Ngài được”. Nhà vua thấy ông già ngang ngạnh, nhà vua bực mình, nhưng vì quá tò mò, nên nhà vua đành chấp nhận.

Nhà vua bảo quân lính về kho lấy đủ vàng ra trả cho ông già. Sau khi bỏ đủ vàng vô túi, ông già trao cho nhà vua chiếc túi đựng bài học. Trong túi vải, có đựng một túi gấm nhỏ nhìn rất đẹp và sang trọng. Ông già dặn nhà vua rằng: “Bệ Hạ đừng vội xem, khi nào về triều đình thì hãy xem”. Rồi lão già cầm túi vàng đi mất.

Nhà vua kiên nhẫn trở về. Khi đến triều đinh, nhà vua hồi hộp, nhưng không dám mở túi ngay, vì nhỡ trong túi có bài học không quý như ông già nói thì nhà vua sẽ mất mặt trước quân lính và quần thần, họ sẽ cười và nói đến nhà vua cũng bị gạt. Đến tối, ngồi một mình trong phòng, nhà vua mở túi gấm ra xem, trong túi chỉ có một tờ giấy viết vỏn vẹn một câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Chỉ một câu nói quá đơn giản, mà phải trả đến một ngàn lượng vàng, nhà vua rất tức. Nhưng ông già thì đã đi mất rồi. Bây giờ chẳng làm được gì cả.

Rồi nhà vua suy nghĩ, trằn trọc không ngủ được. Bài học đơn giản ấy mà phải trả một ngàn lượng vàng, câu nói quá đắt ấy có ích lợi gì cho cuộc sống con người đây. Nhà vua ngẫm nghĩ, rồi cho rằng có lẽ là quý thiệt, hay mình thử xem sao.

Nhà vua cho viết ra thành nhiều bản và dán khắp nơi xung quanh chỗ mình ngồi. Hàng ngày đọc và nghiền ngẫm. Một hôm, có một người định đến ám sát vua. Mới vừa bước tới gần vua, ông nhìn thấy câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Ông giật mình, nghĩ “Mình giết vua thì sẽ bị tội chết, mình sẽ bị chặt đầu”. Nghĩ đến đó, ông buông gươm xuống đến lạy tạ tội với Đức Vua. Nhà vua giật mình. Nhờ bài học này mà cứu được mạng sống của mình.

Còn nhiều câu chuyện tiếp theo kể đến giá trị của bài học, nhưng tôi xin dừng ở đây. Tóm tắt, là nhờ bài học này mà nhà vua không bị ám sát, nhờ bài học này mà vương quốc không bị rơi vào tay quân giặc, và nhờ bài học này mà nhà vua tiếp tục trị vì đất nước ngày càng hưng thịnh.

Qua nhiều biến cố, nhà vua thấy được giá trị vô cùng quý giá của bài học và nhận ra rằng, bài học này giá một ngàn lượng vàng vẫn còn quá rẻ. Sau đó, nhà vua cho phổ biến rộng rãi đến toàn dân.

Bài học này cho chúng ta thấy rõ luật Nhân-Quả. Khi chúng ta toan tính làm việc gì, nếu chúng ta suy xét nhìn thấy trước hậu quả xấu của suy nghĩ, lời nói hay hành động đó, chúng ta biết kiềm chế dừng lại thì chúng ta sẽ tránh được những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ngược lại, khi chúng ta dự định làm việc gì mà chúng ta nhìn thấy kết quả tốt do suy nghĩ, lời nói hay hành động đó đem lại thì chúng ta sẽ nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực hiện và chắc chắn chúng ta sẽ có những thành quả tốt đẹp cho lựa chọn của mình.

Với bản thân tôi, tôi thường chậm lại một chút khi nhận thấy mình đang không hài lòng một việc gì đó. Tôi im lặng hay tạm tách ra khỏi hoàn cảnh lúc đó. Thường tôi áp dụng nguyên tắc “Sáu hơi thở” (bài học tôi học được từ “Mindfulness”). Sau sáu hơi thở, tôi bình tâm hơn. Và tôi đã tránh được rất nhiều câu nói đáng tiếc, hay những phản ứng mà nhờ đó đã giúp tôi giữ được hòa khí trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

Hơn thế nữa, tôi còn học được từ một vị thầy bài học ngược chiều với vài học Nhân-Quả ở trên. Đó là bài học “Nhìn thấy Quả, suy ngược lại Nhân”. Khi học được bài học này, tôi thấy mình bình tâm hơn khi nhìn thấy được hiện tại tôi đang “được” gì và tôi đang “bị” gì.

“Được” là những điều mà tôi thấy mình đang có được, những điều làm cho tôi vui, làm cho cuộc sống của tôi hạnh phúc và có giá trị. Tôi lần tìm về những suy nghĩ, hành động hay lời nói trong quá khứ đưa tôi đạt được điều đó. Tôi vẫn hàng ngày đang tiếp tục hành xử như thế để “Quả” của tôi ngày càng ngọt ngào hơn.

“Bị” là những điều làm cho cuộc sống hiện tại của tôi vẫn chưa hoàn hảo. Một ví dụ nho nhỏ về sức khỏe, tôi thấy sức khỏe của tôi vẫn chưa được ổn định. Tôi truy ngược lại những thói quen cũ và thấy mình cần thay đổi “Nhân” để có “Quả” khác đi. Tôi mong muốn sức khỏe ổn hơn, có nhiều năng lượng hơn để làm được nhiều việc mà nó sẽ đem lại nhiều giá trị cho bản thân tôi, cho người thân yêu của tôi, và xa hơn là cho xã hội xung quanh. Do đó, tôi bắt đầu thói quen đi bộ hàng ngày, đều đặn. Ban đầu, mỗi ngày tôi chỉ đi được 30 phút, đi rất chậm. Nhờ nỗ lực và nhận biết “quả” sẽ có do hành động này của tôi, tôi đã đi được nhanh hơn, và thậm chí đôi khi tôi đã chạy được nữa. Và tôi đã thấy sức khỏe bắt đầu cải thiện và chất lượng công việc tốt hơn.

Bài học này tôi viết cũng là cho bản thân tôi, chắc chắn tôi sẽ đọc lại khi cần một lời nhắc nhở.

Hy vọng việc chia sẻ bài học này của tôi được lan tỏa rộng hơn, xa hơn và giúp được nhiều bạn có nhiều “Quả ngọt” hơn nữa trong tương lai.