“Hãy làm cái gì bạn giỏi nhất đi!” Câu này nghe quen lắm! Ai mà không mong làm được điều mình xuất sắc nhất kia chứ. Thế tại sao tôi lại không làm. Sự thật những gì tôi đang làm đã là cái tốt nhất mà tôi có thể rồi. Tôi làm dở là vì tôi đang trên tiến trình đi đến sự hoàn hảo mà thôi.
Việc bạn đang cho ra một sản phẩm dở tệ là lẽ thường tình mà. Hãy cùng nhau xem xét từng bước sau đây, và cho dù bạn đang ở giai đoạn nào đi nữa thì việc bạn đang cho ra một sản phẩm chưa hoàn thiện cũng là việc cần thiết.
Khi bạn đang ở vạch xuất phát:
Mỗi ngày, hàng nghìn người ngoài kia thậm chí còn không dám bắt tay thực hiện ước mơ trong đời của mình. Bởi vì trong lòng, họ đang so sánh vị trí hiện tại của mình với những con người đã “thành công” trong xã hội. Họ không thể cảm nhận được tiềm năng bên trong của bản thân là gì.
Tất cả những gì họ thấy toàn là những yếu kém của mình so với những người đang thành công trong lãnh vực mà họ quan tâm. Và họ lại để cho “những yếu kém đó” trở thành rào cản – cái rào cản ngăn trở họ theo đuổi ước mơ. Nhưng họ đâu biết rằng, bất kỳ ai ở điểm xuất phát đều bắt đầu từ con số không. Vận tốc bằng không là điểm khởi đầu giúp chiếc xe của ta lăn bánh. Dần dần, xe sẽ tăng tốc độ. Việc tăng tốc chỉ xảy ra được khi ta sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm trên hành trình thực tế của mình.
Lúc bạn là người mới bắt đầu:
Những người mới bắt đầu đều cần có sự tự do cho việc mắc sai lầm. Nếu bạn cũng sợ việc sai phạm, thì chính bạn sẽ bị nỗi sợ ấy cản trở bước chân của mình và bạn sẽ không dám bước tiếp. Bạn có biết sự việc khác biệt duy nhất giữa người thành công với người chỉ dám ước mơ là gì không – là người chỉ dám ước mơ luôn nghĩ mình không làm được như những người đã thành công. Thái độ đón nhận sai lầm chính là nền tảng cho việc bạn có thể đạt đến sự hoàn hảo hay không. Mỗi lần làm sai bạn sẽ có thêm một bài học. Càng có nhiều bài học, bạn lại càng dễ hoàn hảo hơn.
Chắc hẳn đâu đó bạn đã nghe câu chuyện phát minh ra bóng đèn của thiên tài Thomas Edison, ông nói rằng “Tôi chưa bao giờ xem sai lầm là thất bại cả. Chúng đơn giản là cơ hội để tôi tìm ra cơ chế nào không hoạt động được mà thôi”. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn thái độ nào của bạn về việc đón nhận trải nghiệm của mình. Trân quý, đón nhận trải nghiệm để có thêm bài học và rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn hay bạn lựa chọn sợ sệt, chùn bước khi mắc sai lầm. Chính thái độ của bạn quyết định tương lai của bạn.
Khi bạn đang trên đường học hỏi:
Chúng ta rất cần trải nghiệm những khó khăn và kinh qua những tình huống ngoài dự kiến. Nếu không có trải nghiệm, bạn sẽ không thể biết được như thế nào là hiệu quả và như thế nào là không hiệu quả cho công việc của mình. Không một ai trở thành chuyên gia mà không trải qua thời gian nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Cũng không một ai trở thành nhà vô địch mà không từng dày công khổ luyện. Tất cả thành công đều cần một tiến trình. Những sản phẩm hoàn hảo mà ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng. Giai đoạn xây dựng, thử thách, khó khăn, vấp ngã, thất bại, đứng lên rồi lại vấp ngã, và lại cố gắng đứng lên – chính là phần chìm của tảng băng mà người thành công nào cũng từng trải qua, nhưng không phải ai cũng biết.
Bạn đang trên đường trải nghiệm và đón nhận rủi ro:
Chúng ta lại có xu hướng chờ đợi cho đến khi kết quả của mình thật hoàn hảo mới trình làng. Không ai muốn bị chỉ trích hay bị dèm pha khi đang cố gắng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo cả. Nhưng đợi cho đến khi hoàn hảo cũng chẳng khác gì việc bạn không bao giờ cho ra mắt sản phẩm. Ta cần chấp nhận yếu tố khách quan, đón nhận rủi ro với sản phẩm ban đầu của mình và mạnh dạn giới thiệu cho công chúng. Việc ta cần là chuẩn bị tinh thần đón nhận những phản hồi – chắc chắn là có tốt, có xấu và thậm chí có thể bị chê bai. Nhưng bạn an tâm, chính nhờ những phản hồi như vậy sẽ giúp bạn biết được khiếm khuyết và chỗ nào cần cải thiện để hướng đến một phiên bản sản phẩm hoàn hảo hơn, đó cũng là động lực để bạn nâng cấp sản phẩm của mình và thậm chí có vươn xa hơn nữa. Càng mạo hiểm, bạn càng dễ nhanh chóng thành công – hãy cho mọi người thấy điều tệ nhất của mình, vì bạn đã hơn rất nhiều người khác còn không dám bắt đầu.
Tôi đã hiểu rõ những điều trên và đang thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ chia sẻ những bài học từ trải nghiệm bản thân, ước mơ giúp đỡ những người bị tổn thương tinh thần cần được chữa lành và ước mơ lan tỏa lòng biết ơn với những gì mình đã được trao tặng. Tôi trân trọng và đón nhận sự yếu kém của mình để từng bước hoàn thiện bản thân hơn và trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua của chính tôi.
Tôi cảm nhận được ngọn lửa cống hiến của mình đang cháy, tôi cảm nhận được tiềm năng to lớn trong tôi. Tôi biết sự xuất sắc thực sự của tôi đến từ việc tôi cống hiến hết mình cho xã hội. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi được ban tặng.
Còn bạn, ước mơ của bạn có trở thành hiện thực hay không là do chính bạn đấy. Nhà diễn thuyết, tác giả nổi tiếng người Mỹ Les Brown có nói rằng “Bạn không cần phải hoàn hảo để bắt đầu, nhưng bạn hãy bắt đầu để trở thành hoàn hảo”.