Dạo này, tôi tận hưởng việc đọc sách nhiều hơn. Ngoài việc chiêm nghiệm được nhiều kiến thức mới, tôi như được ôn lại rất nhiều kiến thức đã đi ngang qua đầu trước đây mà dường như đã chẳng đọng lại gì sâu sắc hoặc tôi chẳng ứng dụng được gì hữu ích cho cuộc sống cả.
Gần đây, tôi mới tiếp cận kiến thức về ba cuộc hôn nhân chính trong đời của mỗi con người: (1) Kết hôn với Công việc; (2) Kết hôn với Những mối quan hệ gia đình; và (3) Kết hôn với Chính mình. Tôi nhận ra rằng mình không để tâm đến “Cuộc hôn nhân với Chính mình” là mấy, nhiều khi còn quên mất sự tồn tại của nó.
Bây giờ, tôi đã biết nuôi dưỡng “Cuộc hôn nhân với Chính mình” và dành thời gian “Sống với Bản thân” nhiều hơn. Tôi chiêm nghiệm và đào sâu hơn vào việc ứng dụng những điều bổ ích mình đã học vào cuộc sống hàng ngày. Tôi cảm nhận được chặng đường hiện tại của mình có nhiều hoa thơm của sự bình an và quả ngọt của nhiều điều thú vị, khai mở được một số tiềm năng trong tôi mà chưa bao giờ tôi biết đến, cuộc sống thật tuyệt vời làm sao.
Với tâm khiêm nhường và lòng biết ơn tới tất cả những vị thầy của mình, biết ơn tất cả những gì tôi có trong cuộc đời, tôi xin chia sẻ một điều nho nhỏ về lời dạy của một nhà hiền triết rằng: “Khi bạn sợ một điều gì đó, bạn đang đánh mất một cơ hội mới”. Hay nói một cách khác, ta có thể chinh phục sự sợ hãi của mình để nắm bắt một cơ hội mới.
Trong hành trình của cuộc đời, cơ hội thường xuất hiện vào lúc chúng ta ít ngờ tới nhất. Nó gõ cửa, phát ra những tín hiệu cho ta bước ra khỏi vùng an toàn của mình và đón nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, luôn có một thế lực mạnh mẽ ngăn cản chúng ta nắm bắt những cơ hội này, đó là sự sợ hãi. Giống như lời dạy đề cập ở trên: “Khi bạn sợ một điều gì đó, là bạn đang đánh mất một cơ hội mới”. Câu nói sâu sắc này gói gọn bản chất của việc chính nỗi sợ hạn chế sự phát triển và cản trở sự sáng tạo của ta như thế nào.
Bây giờ, chúng ta cùng mổ xẻ bản chất của nỗi sợ, tác động của nó đối với cuộc sống và tìm ra cách vượt qua nó, nhằm phá vỡ những rào cản do nỗi sợ đem đến để mở cánh cửa đi đến những ước mơ của mình nhé.
Nỗi sợ là gì?
Sợ hãi là một phần vốn có trong trải nghiệm riêng của mỗi người. Nó hoạt động như một cơ chế bảo vệ, cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn và dẫn đường cho ta khi đưa ra quyết định. Mặc dù nỗi sợ có thể phục vụ cho một giá trị nào đó, nhưng lại là con dao hai lưỡi vì nó giới hạn chúng ta. Nó thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ những điều chưa biết đến và sự lặp lại vô số lần trong quá khứ. Mỗi nỗi sợ xuất hiện theo một cách riêng, nhưng điểm chung là chúng đều có thể tước đi cơ hội mới của ta.
Sự sợ hãi giá bao nhiêu?
Mỗi khi nỗi sợ xuất hiện, nó hình thành một rào cản giữa ta và những ước muốn. Nó hoạt động như một giới hạn tự mình áp đặt vào bản thân, nó khiến chúng ta bỏ lỡ vô số cơ hội phát triển, cơ hội tiến xa hơn để thành công và đạt tới sự viên mãn. Hãy thử chiêm nghiệm về một lần nào đó trước đây mà bạn phân vân vì sợ hãi khi muốn thực hiện một bước nhảy vọt hoặc dự định theo một ngã rẽ khác. Có bao nhiêu cơ hội đã vuột khỏi tầm tay mà bạn không để ý? Mỗi nỗi sợ đi qua tiềm ẩn một cơ hội bị bỏ lỡ – mỗi tiềm năng không được khai thác chính là một cơ hội đã qua đi trong cuộc đời.
Làm cách nào để vượt qua nỗi sợ?
Mặc dù nỗi sợ có thể đã ăn sâu vào tâm trí, nhưng điều cần thiết bạn nên nhớ rằng nó không phải là tất cả con người của bạn. Vượt qua sợ hãi là một quá trình đòi hỏi sự tự suy xét, lòng can đảm và tinh thần sẵn sàng đối mặt trực tiếp với những lo lắng của mình. Dưới đây là một số phương pháp và kỹ năng có thể thực hành giúp chúng ta thoát khỏi xiềng xích của sự sợ hãi và mở lòng hơn để khám phá những khả năng tiềm ẩn của mình.
Chấp nhận và xác định nỗi sợ: Bước đầu tiên để chinh phục nỗi sợ chính là việc thừa nhận sự hiện diện của nó. Bạn hãy suy ngẫm về nỗi sợ của mình và cố gắng xác định nguồn gốc cụ thể của chúng. Việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ ấy sẽ giúp bạn đối mặt với nó hiệu quả hơn. Khi phân tích chi tiết các nguyên nhân, bạn sẽ tìm thấy cách giải quyết một cách cụ thể cho từng vấn đề.
Chất vấn lại các suy đoán của mình: Nỗi sợ thường phát triển dựa trên các giả định, suy đoán hay niềm tin tiêu cực nào đó. Chất vấn lại những suy đoán của mình bằng cách kiểm chứng một cách khách quan, bạn sẽ thấy mình có thể có một quan điểm mới khi thay đổi góc nhìn cho một vấn đề. Nỗi sợ của bạn có cơ sở trong thực tế không hay chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?
Chấp nhận rủi ro: Bước ra ngoài vùng an toàn là điều cần thiết cho việc phát triển bản thân. Hãy bắt đầu bằng cách thực hiện từng việc rất nhỏ, nhưng đều đặn để rút ngắn khoảng cách hướng tới mục tiêu. Dần dần, bạn sẽ nhận diện được tình trạng hiện tại của mình là như thế nào với nỗi sợ đang có. Điều đó sẽ từng bước giúp bạn phục hồi và dần xây dựng sự tự tin – điều này đồng nghĩa với việc nỗi sợ của bạn sẽ giảm dần theo sự tăng trưởng của sự tự tin.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Hãy luôn nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc trên bất kỳ hành trình nào. Hãy tiếp cận với bạn bè, gia đình hoặc nhà tư vấn, những người có thể cho bạn sự hướng dẫn, lời khuyến khích và chia sẻ với bạn một quan điểm mới với một góc nhìn mới mà bạn chưa biết tới. Sự hỗ trợ của họ sẽ củng cố sự tự tin của bạn và giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn. Bạn đừng lo về chi phí, vì có rất nhiều cách để bạn có được sự hỗ trợ cần thiết. Ngay cả khi bạn ngại ngùng không dám mở lời với người thân gia đình, thì kênh YouTube hay Podcast cũng có thể là nhà tư vẫn miễn phí của bạn, nếu bạn cố ý tìm kiếm. Tôi đã tìm thấy rất nhiều vị thầy giỏi, nhiều câu trả lời giá trị và những lời tư vẫn miễn phí rất hữu ích cho những thắc mắc, trăn trở của mình. Trong đạo Phật có câu “Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Bản thân tôi đã không biết bao nhiêu lần chứng nghiệm câu nói này, trong hầu hết mọi thắc mắc của mình.
Chấp nhận thất bại: Chúng ta nhất thiết cần biết rằng thất bại là một phần tất yếu không thể thiếu trong quá trình học tập hay đi đến thành công. Khi bạn hiểu một cách sâu sắc rằng mỗi lần thất bại chính là một cơ hội để hoàn thiện hơn, và thất bại chính là cơ hội cho thấy bản thân mình đang ở đâu, thì bạn sẽ bớt sợ hơn rất nhiều. Thế nên, hãy đón nhận thất bại như một bước đệm trên con đường tiến tới thành công.
Tóm lại, khi bạn sợ hãi một điều gì đó, bạn sẽ đánh mất một cơ hội. Câu nói đơn giản nhưng sâu sắc này làm rõ tầm quan trọng của việc giải quyết nỗi sợ để nắm lấy các cơ hội trong cuộc sống. Mặc dù nhiều nỗi sợ trông có vẻ ghê gớm, nhưng nó không nhất thiết phải là lựa chọn của ta. Bằng cách hiểu rõ cơ chế của nỗi sợ, nhìn nhận ra tác động của nó và thực hiện các bước chủ động để chinh phục, ta có thể mở khóa để khai mở những tiềm năng vô hạn của mình và sẽ nắm bắt các cơ hội mới đến với mình nhiều hơn.
Hãy nhớ rằng, hành trình phát triển là để trưởng thành và con đường dẫn đến sự thành công viên mãn nằm ở phía bên kia của nỗi sợ – trực diện với nỗi sợ và hãy quan sát cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào khi bạn lựa chọn khác đi, chắc chắc nhiều điều sẽ nằm ngoài sự tưởng tượng của bạn cho mà xem.
Rất biết ơn bạn đã cũng tôi mổ xẻ đề tài này. Chúc bạn từng bước vững chãi đi đến thành công của mình.