Biết ơn – 30

✨Vậy là tôi đã đi được 30 ngày gieo trồng những hạt giống thiện lành cho vườn tâm bằng việc Thực Hành Lòng Biết Ơn.

✨Biết ơn thiệt nhiều những năng lượng tích cực mà tôi đón nhận được trên bước khởi hành.

✨Biết ơn các mối thiện duyên trên bước đường “Nuôi Dưỡng Vườn Tâm” cùng tôi.

✨Biết ơn các vị Thầy và cả các bạn đã dạy và chia sẻ cho tôi những bài học giá trị giúp tôi thay đổi tư duy và luôn hướng về phía Ánh Sáng – hướng giá trị nhất của cuộc sống theo lời dạy của Đức Phật.

✨Biết ơn các anh, các chị và các bạn tôi đã đi cùng tôi trên chặng đường này.

✨Tôi cảm nhận được nhiều nét đẹp mới, nhiều điều kỳ diệu hơn của cuộc sống từng ngày.

✨Xin biết ơn, biết ơn vì tất cả.

Biết ơn – 29

Biết ơn – 28

Biết ơn – 27

Biết ơn – 26

Biết ơn – 25

Sự tử tế và lòng tốt – Giá trị và lợi ích cho bạn

Sự tử tế là nền tảng của lòng tốt. Lòng tốt giúp ta phát triển lòng trắc ẩn và là con đường hướng bước ta đến với lòng từ bi. Bài viết này giúp bạn hiểu sâu hơn về sự tử tế và lòng tốt cùng với những giá trị và lợi ích đem đến cho cuộc sống của chúng ta.

Khởi đầu bằng sự tử tế:

Khi bạn đối xử tử tế với người khác, bạn sẽ được nhận lại sự tử tế. Nhờ vậy, bạn có thể tránh được những xung đột trong nhiều tình huống, và bình an sẽ đến với bạn. Là người tử tế, tâm trạng của bạn thường nhẹ nhàng, dễ chịu. Tử tế không chỉ tạo ra sự nhẹ nhàng cho tinh thần mà còn đóng góp cải thiện cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thái độ tử tế kích hoạt và giải phóng endorphin – thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và tạo ra sự hưng phấn trong khi làm việc, giúp bạn đạt được hiệu quả cao, tạo ra kết quả tích cực và có thái độ sống lạc quan.

Tinh thần của bạn sẽ dần được nâng cao lên khi sự tử tế trở thành thói quen, hệ quả là sức khỏe của bạn cũng được cải thiện. Hành động của sự tử tế tuy đơn giản, nhưng có thể làm giảm đi mức độ gay cấn trong những tình huống căng thẳng, giữ được hòa khí và tránh xung đột đáng tiếc xảy ra.

Nhưng đầu tiên, ta cần đối xử tử tế với chính mình trước đã. Vì đối với bản thân mà bạn còn không đối xử tử tế được thì bạn khó có thể trao tặng sự tử tế cho người khác lâu dài. Nếu có, chẳng qua là một sự đổi chác có ý đồ, hầu mong nhận lại được những kỳ vọng mà bạn muốn người khác làm cho bạn trong một vài sự kiện mà thôi – Đó chưa phải là sự tử tế chân thật.

Đối với thân: Biết lắng nghe cơ thể, cho phép cơ thể nghỉ ngơi khi mệt mỏi là hành động tử tế cần thiết với bản thân. Để ý tiêu thụ những món ăn dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe thể chất, thể dục vận động để duy trì và tăng cường thể lực cho thân. Từ ngày tôi nhận biết điều này, tôi luôn sắp xếp thời gian hàng ngày như việc ưu tiên cho thời thiền buổi sáng, đi bộ ít nhất 30 phút một ngày. Sức khỏe cải thiện hẳn khi tôi ý thức đối xử tử tế hơn với chính mình, nhờ vậy tôi có thêm năng lượng làm được nhiều việc có giá trị hơn cho mình và cho mọi người. Tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

Đối với tâm: Chủ ý sàng lọc và tiếp thu những kiến thức hữu ích, thường xuyên tưới tẩm những năng lượng tích cực và có lợi cho tinh thần. Dành thời gian cần và đủ cho bản thân để thực hiện sở thích, đam mê của mình hay làm việc yêu thích. Nếu bạn thích đọc sách hay vẽ tranh, hãy sắp xếp thời gian để làm điều đó. Cuộc sống của bạn sẽ thú vị hơn.Tôi thì tham gia câu lạc bộ Trí Tuệ Cảm Xúc 365 vào mỗi buổi sáng để được nhắc nhớ những kiến thức đã học và tinh tấn thực hành cho việc phát triển bản thân, tăng trưởng niềm an lạc hạnh phúc, duy trì thực hành chánh niệm. Và tôi đang cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của tôi lớn lên từng ngày.

Khi chánh niệm thường xuyên, ta có ý thức đối xử tử tế với bản thân và với người khác. Chẳng hạn, khi người khác có ý kiến trái chiều với ta. Hành động tử tế là ta không phản đối hay chỉ trích họ. Không nhất thiết ta phải đồng ý với quan điểm của họ, ta chỉ cần ghi nhận rằng mỗi người có thể có góc nhìn khác nhau về một vấn đề hay một sự việc. Quan điểm khác nhau – đó là hệ quả đến từ hoàn cảnh sống khác nhau, môi trường làm việc khác nhau và tùy vào trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Trong sự tôn trọng, ta ghi nhận ý kiến của ta và của họ là khác nhau. Đó là một ví dụ về sự tử tế. Và trong những tình huống bất đồng quan điểm, với sự tử tế, chúng ta góp phần không làm cho khoảng cách giữa hai người lớn hơn. Tích góp từ sự tử tế nhỏ nhặt hàng ngày như vậy, ta sẽ dần dần sẽ tạo ra được sự khác biệt lớn trong cuộc sống, cụ thể là việc cải thiện các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.

Ban đầu bạn có thể chưa quen với việc thể hiện hành động tử tế trong mọi tình huống, nhưng nếu có ý thức là ta đang thực tập tử tế, bạn sẽ làm được. Theo thời gian, bạn sẽ thấy từ từ, thể hiện sự tử tế sẽ trở nên dễ dàng hơn và kế tiếp là sẽ hình thành nên thói quen. Trong lòng ta luôn nhắc nhớ chính mình “Ta đang thực tập sự tử tế” – nền tảng lòng tốt của bạn đang được xây dựng từ đây.

Tôi là người đang thực hành chánh niệm cho việc thể hiện sự tử tế của mình. Tôi đã gặt hái được nhiều niềm vui và ngày càng cảm nhận được hạnh phúc của mình tăng lên. Chắc chắn mọi người đều làm được như tôi vì tất cả chúng ta đều là con cái của Tạo Hoá – Thượng Đế – Đấng Sáng Tạo đầy tình yêu thương, chúng ta có sẵn những hạt giống của sự tử tế ngay từ khi sinh ra. Chúng ta chỉ cần nhận biết, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày, chắc chắn việc gặt hái được quả ngọt là lẽ đương nhiên.

Lòng tốt – hành động của sự tôn trọng và tình yêu thương

Sự tử tế và lòng tốt cũng gần giống nhau. Điểm khác nhau là sự tử tế chỉ dừng ở mức độ lịch sự, ôn hòa, nhã nhặn. Còn lòng tốt là khi ta làm điều gì ta luôn có tác ý mong muốn điều tốt đẹp đến với người khác. Như ta giúp một người đang mang vật nặng, trong lòng ta nghĩ ta đang san sẻ áp lực cho họ. Khi ta lắng nghe người khác trút niềm tâm sự, trong lòng ta mong muốn họ vơi được bớt nỗi khổ tâm. Hoặc khi ta làm việc hàng ngày trong công sở, ta luôn tác ý trong mọi việc mình làm, mong góp phần xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ với đồng nghiệp, góp phần đem giá trị tốt đẹp đến cho khách hàng, vào sự thành công và phát triển lâu dài của công ty.

Nhiều người nhầm lẫn rằng lòng tốt đồng nghĩa với sự yếu đuối và việc làm hài lòng người khác. Nhưng ở đây có sự khác biệt rất rõ ràng. Sợ hãi và căng thẳng là cảm giác của sự yếu đuối và làm để hài lòng người khác. Khi sợ hãi và căng thẳng, ta làm việc với tâm trạng mệt mỏi và tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ, đối phó, thậm chí đôi khi ta còn có cảm giác chịu đựng. Còn khi ta đang thể hiện lòng tốt, bản thân ta biết rất rõ giá trị của việc ta đang làm, ta làm với tâm trạng vui vẻ, cống hiến, thoải mái và tinh thần tự nguyện. Người ngoài nhìn vào có thể lầm tưởng rằng ta đang làm để hài lòng người đối diện, nhưng thực chất ta đang làm cho chính ta. Chỉ có ta biết rõ ta đang thể hiện lòng tốt. Ta không cần người khác ghi nhận lòng tốt của ta, vì ta đang làm cho chính mình. Nhưng nếu ta thể hiện lòng tốt thường xuyên, điều đó sẽ trở thành bản tính của ta. Đại văn hào Mark Twain có nói: “Lòng tốt là một ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.

Lòng tốt có thể giúp ta thay đổi thái độ khi đối diện với nghịch cảnh, mở rộng tầm nhìn và có thể biến sự tuyệt vọng thành niềm hy vọng.

Lòng tốt là một người bạn đồng hành tuyệt vời trong việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân và các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả trong công việc và cuộc sống cá nhân. Lòng tốt chân thật vượt qua sự thù địch, nâng cao sự tôn trọng và sự hiểu biết lẫn nhau. Lòng tốt giúp ta cải thiện cuộc sống và từng bước mở rộng dung lượng trái tim.

Nếu có thể, hãy thể hiện lòng tốt với tất cả những người chúng ta gặp trong ngày. Khi ta luôn chánh niệm, ta có ý thức trong việc nuôi dưỡng và phát triển lòng tốt của mình. Ta có khả năng biến đổi mọi thứ xung quanh ta.

Lòng tốt là một hành động của tình thương và sự tôn trọng người khác, điều này giúp bạn có một cuộc sống dễ chịu hơn hẳn, và hạnh phúc của bạn sẽ lớn hơn từng ngày. Lòng tốt của bạn giúp bạn phát triển trí tuệ cảm xúc của chính mình và làm cho những người xung quanh bạn cũng trở nên tốt hơn.

Một trạng thái cao hơn của lòng tốt là lòng trắc ẩn và lòng từ bi. Tôi sẽ gửi đến bạn trong một bài viết khác.

Biết ơn – 24

Biết ơn – 23

Biết ơn – 22