Bài học ngàn vàng

Ngày xửa ngày xưa, có một nhà hiền triết, trên đầu gậy của ông  treo một cái túi vải. Trong túi có chứa một bài học.

Ông hàng ngày đứng giữa chợ rao: “Có ai muốn mua bài học quý vô giá không?”. Ông rao hoài mà không ai dám hỏi, vì không biết vô giá là bao nhiêu. Rồi vài người tò mò hỏi ông “Bài học này ông bán bao nhiêu?”. Ông chỉ trả lời “Đây là bài học vô giá”. Nên ai ai hỏi đến cũng đều lắc đầu vì không dám hỏi mua.

Một hôm có việc, nhà vua và quân lính đi ngang chợ. Khi nhà vua đi qua, ông già rao to hơn nữa: “Có ai mua bài học quý vô giá không? Có ai mua bài học quý vô giá không?”. Nhà vua nghe thấy, tò mò, bèn ra lệnh cho quân lính chạy đến ông già và hỏi: “Bài học ông nói quý vô giá đó, ông định bán bao nhiêu?”. Ông già trả lời: “Bài học này tôi bán một ngàn lượng vàng”. Nhà vua lắc đầu: “Một ngàn lượng vàng, quá mắc. Làm sao mua được bài học? Mà học cái gì ở trong đó?”. Mặc dù không xuất tiền mua, nhưng nhà vua cũng chưa thoả chí tò mò. Nên bảo mấy tên lính đến trả giá thử. Từ 100 lượng vàng, rồi 200 lượng, sau đó lên 300 lượng, rồi 400 lượng và đến 500 lượng vàng nhưng ông già vẫn chưa chịu bán.

Nhà vua đi đến ông già gặng hỏi: “Tại sao bài học của ông đắt quá vậy, đến cả ngàn lượng vàng”. Ông già trả lời chậm rãi: “Thưa Bệ Hạ, người đời cái gì rẻ thì cho là đồ xấu, đồ giở. Cái gì thật đắt mới là đồ quý. Mà bài học của tôi rất quý, nếu tôi bán rẻ, người ta sẽ coi thường và không ai thèm ứng dụng. Cho nên, tôi bán rất đắt. Ai biết học, thì mua. Còn ai coi nó thường, thì thôi”. Nhà vua nghe cũng có lý.

Suy nghĩ một hồi, nhà vua đồng ý giá cả và yêu cầu ông già đưa cho coi bài học trước. Ông già nói: “Không được. Chỉ khi nào Bệ Hạ trả đủ vàng cho tôi, tôi mới trao bài học, tôi không thể đưa bài học trước cho Ngài được”. Nhà vua thấy ông già ngang ngạnh, nhà vua bực mình, nhưng vì quá tò mò, nên nhà vua đành chấp nhận.

Nhà vua bảo quân lính về kho lấy đủ vàng ra trả cho ông già. Sau khi bỏ đủ vàng vô túi, ông già trao cho nhà vua chiếc túi đựng bài học. Trong túi vải, có đựng một túi gấm nhỏ nhìn rất đẹp và sang trọng. Ông già dặn nhà vua rằng: “Bệ Hạ đừng vội xem, khi nào về triều đình thì hãy xem”. Rồi lão già cầm túi vàng đi mất.

Nhà vua kiên nhẫn trở về. Khi đến triều đinh, nhà vua hồi hộp, nhưng không dám mở túi ngay, vì nhỡ trong túi có bài học không quý như ông già nói thì nhà vua sẽ mất mặt trước quân lính và quần thần, họ sẽ cười và nói đến nhà vua cũng bị gạt. Đến tối, ngồi một mình trong phòng, nhà vua mở túi gấm ra xem, trong túi chỉ có một tờ giấy viết vỏn vẹn một câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Chỉ một câu nói quá đơn giản, mà phải trả đến một ngàn lượng vàng, nhà vua rất tức. Nhưng ông già thì đã đi mất rồi. Bây giờ chẳng làm được gì cả.

Rồi nhà vua suy nghĩ, trằn trọc không ngủ được. Bài học đơn giản ấy mà phải trả một ngàn lượng vàng, câu nói quá đắt ấy có ích lợi gì cho cuộc sống con người đây. Nhà vua ngẫm nghĩ, rồi cho rằng có lẽ là quý thiệt, hay mình thử xem sao.

Nhà vua cho viết ra thành nhiều bản và dán khắp nơi xung quanh chỗ mình ngồi. Hàng ngày đọc và nghiền ngẫm. Một hôm, có một người định đến ám sát vua. Mới vừa bước tới gần vua, ông nhìn thấy câu “Phàm làm việc gì, trước hết phải xét đến hậu quả của nó”. Ông giật mình, nghĩ “Mình giết vua thì sẽ bị tội chết, mình sẽ bị chặt đầu”. Nghĩ đến đó, ông buông gươm xuống đến lạy tạ tội với Đức Vua. Nhà vua giật mình. Nhờ bài học này mà cứu được mạng sống của mình.

Còn nhiều câu chuyện tiếp theo kể đến giá trị của bài học, nhưng tôi xin dừng ở đây. Tóm tắt, là nhờ bài học này mà nhà vua không bị ám sát, nhờ bài học này mà vương quốc không bị rơi vào tay quân giặc, và nhờ bài học này mà nhà vua tiếp tục trị vì đất nước ngày càng hưng thịnh.

Qua nhiều biến cố, nhà vua thấy được giá trị vô cùng quý giá của bài học và nhận ra rằng, bài học này giá một ngàn lượng vàng vẫn còn quá rẻ. Sau đó, nhà vua cho phổ biến rộng rãi đến toàn dân.

Bài học này cho chúng ta thấy rõ luật Nhân-Quả. Khi chúng ta toan tính làm việc gì, nếu chúng ta suy xét nhìn thấy trước hậu quả xấu của suy nghĩ, lời nói hay hành động đó, chúng ta biết kiềm chế dừng lại thì chúng ta sẽ tránh được những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ngược lại, khi chúng ta dự định làm việc gì mà chúng ta nhìn thấy kết quả tốt do suy nghĩ, lời nói hay hành động đó đem lại thì chúng ta sẽ nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực hiện và chắc chắn chúng ta sẽ có những thành quả tốt đẹp cho lựa chọn của mình.

Với bản thân tôi, tôi thường chậm lại một chút khi nhận thấy mình đang không hài lòng một việc gì đó. Tôi im lặng hay tạm tách ra khỏi hoàn cảnh lúc đó. Thường tôi áp dụng nguyên tắc “Sáu hơi thở” (bài học tôi học được từ “Mindfulness”). Sau sáu hơi thở, tôi bình tâm hơn. Và tôi đã tránh được rất nhiều câu nói đáng tiếc, hay những phản ứng mà nhờ đó đã giúp tôi giữ được hòa khí trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

Hơn thế nữa, tôi còn học được từ một vị thầy bài học ngược chiều với vài học Nhân-Quả ở trên. Đó là bài học “Nhìn thấy Quả, suy ngược lại Nhân”. Khi học được bài học này, tôi thấy mình bình tâm hơn khi nhìn thấy được hiện tại tôi đang “được” gì và tôi đang “bị” gì.

“Được” là những điều mà tôi thấy mình đang có được, những điều làm cho tôi vui, làm cho cuộc sống của tôi hạnh phúc và có giá trị. Tôi lần tìm về những suy nghĩ, hành động hay lời nói trong quá khứ đưa tôi đạt được điều đó. Tôi vẫn hàng ngày đang tiếp tục hành xử như thế để “Quả” của tôi ngày càng ngọt ngào hơn.

“Bị” là những điều làm cho cuộc sống hiện tại của tôi vẫn chưa hoàn hảo. Một ví dụ nho nhỏ về sức khỏe, tôi thấy sức khỏe của tôi vẫn chưa được ổn định. Tôi truy ngược lại những thói quen cũ và thấy mình cần thay đổi “Nhân” để có “Quả” khác đi. Tôi mong muốn sức khỏe ổn hơn, có nhiều năng lượng hơn để làm được nhiều việc mà nó sẽ đem lại nhiều giá trị cho bản thân tôi, cho người thân yêu của tôi, và xa hơn là cho xã hội xung quanh. Do đó, tôi bắt đầu thói quen đi bộ hàng ngày, đều đặn. Ban đầu, mỗi ngày tôi chỉ đi được 30 phút, đi rất chậm. Nhờ nỗ lực và nhận biết “quả” sẽ có do hành động này của tôi, tôi đã đi được nhanh hơn, và thậm chí đôi khi tôi đã chạy được nữa. Và tôi đã thấy sức khỏe bắt đầu cải thiện và chất lượng công việc tốt hơn.

Bài học này tôi viết cũng là cho bản thân tôi, chắc chắn tôi sẽ đọc lại khi cần một lời nhắc nhở.

Hy vọng việc chia sẻ bài học này của tôi được lan tỏa rộng hơn, xa hơn và giúp được nhiều bạn có nhiều “Quả ngọt” hơn nữa trong tương lai.

Nét đẹp của trăng 14

Trăng 14 chưa tròn, trăng 15 mới đầy đặn và tròn vành vạnh. Vậy mà trăng 14 lại rất đẹp, vì sao? Đó là nét đẹp của sự chưa hoàn hảo, nét đẹp của sự khiếm khuyết, nét đẹp của sự hứa hẹn sẽ tròn đầy hơn và hoàn hảo hơn trong tương lai. Tôi đã học được bài học này từ lời giảng của một vị thầy tu. Bài học này đã giúp cho tôi bình tĩnh hơn và biết “sống” hơn tôi trước đây nhiều lắm.

 

Trước đây, tôi thường trong trạng thái nôn nóng mong đến lúc hoàn thành kế hoạch, nôn nóng đạt được mục tiêu, nôn nóng để dành đủ tiền để mua cái mà tôi nghĩ phải có nó mình mới hạnh phúc được. Tôi đã không biết cách thư giãn và thưởng ngoạn bao nhiêu điều thú vị trên hành trình đi đến mục tiêu của mình. Vì tôi không bao giờ không có mục tiêu chưa hoàn thành cả. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, thậm chí chục năm này qua chục năm khác. Bây giờ tôi đã 50, hơn nửa đời người.

Tôi đã đọc bao nhiêu lần bài học của Đức Phật là “Không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường”. Ấy vậy mà mãi đến tận bây giờ tôi mới từ từ thấm được triết lý đó. Hình như câu nói của cổ nhân “ngũ thập tri thiên mệnh” (năm mươi mới hiểu mệnh trời) có cái lý của nó.

Tôi của nhiều năm trước đây rất khác bây giờ. Tôi luôn trong trạng thái lo lắng, cái gì cũng có thể làm tôi lo lắng được. Bây giờ nghĩ lại mới thấy những năng lượng lo lắng đó như đám mây đen che khuất bầu trời trong xanh vốn luôn tồn tại sẵn trong tôi. Phần đa cái gì xảy ra cũng không làm tôi hài lòng cả, nhiều khi những người sống xung quanh tôi cũng thường làm tôi khó chịu.

Điều đạt được những mục tiêu mà tôi đã nỗ lực rất lớn để có cũng chỉ làm tôi thỏa mãn trong “vài trống canh”. Cái cảm giác hài lòng ngắn ngủi của tôi đánh đổi lại là tôi đã luôn trong tình trạng lo lắng một thời gian dài, rất dài. Ví dụ như tôi đã chỉ vui được vài ngày khi trả xong chiếc xe hơi đời mới sau 3 năm tiết kiệm dài đằng đẵng để trả nợ. Ngay cả việc trả hết nợ căn nhà trong khu dân cư sang trọng mà nhiều người ngưỡng mộ cũng chỉ làm tôi vui được vài tuần.

Tận sâu trong lòng tôi, cảm giác thỏa mãn là chỉ khi nghe người khác trầm trồ khen ngợi về sự thành công của mình chứ không xuất phát từ sâu thẳm trong lòng tôi, thế thôi, không có gì khác. Hình như cái cảm giác vui sướng của tôi là do người khác cho tôi, chứ tôi không tự có được.

May quá, bây giờ tôi đã từ từ trưởng thành chút chút và dần cảm nhận được hạnh phúc bên trong của mình hơn. Tôi thật lòng biết ơn những bài học mà tôi góp nhặt được từ các vị giảng sư, từ việc thực tập thiền, từ sách vở về phát triển bản thân và từ những chia sẻ hết sức chân tình của những người bạn.

Tôi đã bắt đầu thay đổi tư duy của mình. Nếu là tôi trước đây, tôi đã không dám chia sẻ những câu chuyện về mình như vậy đâu. Vì tôi rất sợ bị mọi người đánh giá. Tôi sợ rằng ai đó sẽ mỉa mai tôi thế này thế nọ, và có thể nói xấu sau lưng tôi. Nhưng bây giờ qua những trải nghiệm đau khổ của bản thân, và khi tôi mở lòng, tôi cũng nhận được sự chia sẻ thêm nhiều cảnh đời đau khổ khác, mỗi người đau khổ một kiểu, và tôi đã bắt đầu mạnh dạn chia sẻ những góc khuất của tôi trước đây với ước mong nhỏ bé đâu đó có người đồng cảm với câu chuyện của mình.

Các bạn đừng lo. Nếu bạn chưa hoàn hảo, thời khắc này của bạn sẽ có nét đẹp của trăng 14, nét đẹp của sự hứa hẹn hoàn thiện hơn trong tương lai. Vì hạnh phúc không phải là khi đến đích mới có, mà hạnh phúc chính là hành trình các bạn ạ – enjoy your journey!

Hạnh phúc – nó như thế nào?

Tôi đã thay đổi nhận thức và cảm nhận về hạnh phúc như thế nào?

Trong quyển sách “Search Inside Yourself” (Tìm Kiếm Bên Trong Bạn) của tác giả Chade Meng Tan, tôi như bừng tỉnh khi đọc được lời của tác giả  “Trước đây, nếu không có gì tốt xảy ra, thì tôi mặc định là không hạnh phúc. Giờ thì ngược lại: nếu không có gì xấu xảy ra thì tôi mặc định đó là hạnh phúc”.

Từ thời khắc đọc được câu đó đến nay, tôi đã bắt đầu cảm nhận được niềm vui nhiều hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại chiêm nghiệm câu nói ấy và thấy mình đang hạnh phúc.

Bao nhiêu năm nay tôi không biết mình có hạnh phúc hay không, hạnh phúc là gì, thế nào thì mới là hạnh phúc. Trước đây, tôi luôn thấy mình không ổn, nhiều lúc tôi thấy mình cứ bấp bênh làm sao ấy. Mỗi ngày của tôi trôi qua cứ như là chiếc lá trôi theo dòng sông mà không biết đi về đâu.

Cuộc sống của tôi khá ổn về mọi mặt theo cái nhìn khách quan của rất nhiều người. Tôi không còn phải lo cơm áo gạo tiền, con cái đã lớn và sắp ra trường. Tiền học cho các con cũng đã được chuẩn bị, vậy mà tôi vẫn thấy cuộc sống của mình chưa được  mãn nguyện. Cái cảm giác cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó làm tôi trăn trở, không hài lòng với bản thân mình.

Đã hơn một tuần nay tôi tự huấn luyện cho suy nghĩ của mình theo cách nhìn của Chade Meng Tan về hạnh phúc, tôi tự nhận thấy một sự thay đổi rất lớn đang xảy ra trong tôi. Tôi thường xuyên thấy mình vui và hạnh phúc vì tôi nhận thấy rằng đại đa số là rất ít, thậm chí là rất hiếm khi có điều gì xấu xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

Tôi nghĩ đâu đó cũng có những bạn/anh/chị – những ai đang trong tình trạng tương tự như tôi, không biết mình có đang hạnh phúc không – đọc được những dòng này. Hạnh phúc không là cái gì to tát đâu các bạn ạ, nó chỉ đơn giản như câu nói của Chade Meng Tan thôi “nếu không có gì xấu xảy ra thì mặc định đó là hạnh phúc” 😊

Mong bạn cũng cảm nhận được hạnh phúc, một cách đơn giản như tôi lúc này.

Cảm ơn bạn đã đọc chia sẻ của tôi.

Về Tác Giả

Có một tiếng gọi tồn tại trong tôi – như một ngọn lửa, lúc thì âm ỉ, lúc thì phừng phực, đôi lúc lại làm tôi đau đáu – điều mà luôn thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để thể hiện lòng biết ơn của mình với cuộc đời này vì tôi đã nhận được quá nhiều. Đây là lý do vì sao tôi tạo ra trang blog này và cũng là ý nghĩa cho tên cho blog của mình – “Cảm Ơn Cuộc Đời”.

Minh Tâm là tên của tôi – Trần Thị Minh Tâm, sinh ra lớn lên và làm việc tại Việt Nam, chuyên ngành tài chánh ngân hàng, hiện nay tôi đang sinh sống và định cư tại Úc. Hành trình cuộc đời với nhiều sự kiện, biến cố, thay đổi và vô số nhân duyên đã cho tôi nhiều bài học giá trị. Tôi biết ơn mọi người, biết ơn tất cả. Những cảm xúc tệ hại trước đây, nào là áp lực, uể oải, mất thăng bằng, căng thẳng, mệt mỏi, đuối sức và mất kiểm soát của tôi đã thôi thúc tôi tìm kiếm, học hỏi và áp dụng được những bài học vô cùng quý giá mà nhờ đó tôi đã tìm ra lối thoát và con đường phát triển bản thân. Một câu nói mà tôi luôn đem theo bên mình “Không có trải nghiệm xấu, chỉ có bài học” là hành trang và cũng là người bạn đồng hành trên con đường tôi đã chọn và sẽ đi tiếp của mình.

Ngoài công việc chuyên môn của mình – Mortgage Financial Broker (tạm dịch là môi giới tài chánh), tôi còn là giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Melbourne, công việc giáo dục đem lại cho tôi thêm nhiều niềm vui đơn sơ của cuộc sống và cũng là nơi tôi có thể góp phần nhỏ bé trong việc kiến tạo thế hệ tương lai giàu lòng yêu thương và giàu hạnh phúc.

Ước mong với những chia sẻ nhỏ bé của mình, đâu đó bạn cũng đồng cảm với những bài học mà tôi đã học được để bạn có được cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và bình an hơn.