Biết ơn – 20

Thực hiện ước mơ trong đời – Tại sao không?

“Hãy làm cái gì bạn giỏi nhất đi!” Câu này nghe quen lắm! Ai mà không mong làm được điều mình xuất sắc nhất kia chứ. Thế tại sao tôi lại không làm. Sự thật những gì tôi đang làm đã là cái tốt nhất mà tôi có thể rồi. Tôi làm dở là vì tôi đang trên tiến trình đi đến sự hoàn hảo mà thôi.

Việc bạn đang cho ra một sản phẩm dở tệ là lẽ thường tình mà. Hãy cùng nhau xem xét từng bước sau đây, và cho dù bạn đang ở giai đoạn nào đi nữa thì việc bạn đang cho ra một sản phẩm chưa hoàn thiện cũng là việc cần thiết.

Khi bạn đang ở vạch xuất phát:

Mỗi ngày, hàng nghìn người ngoài kia thậm chí còn không dám bắt tay thực hiện ước mơ trong đời của mình. Bởi vì trong lòng, họ đang so sánh vị trí hiện tại của mình với những con người đã “thành công” trong xã hội. Họ không thể cảm nhận được tiềm năng bên trong của bản thân là gì.

Tất cả những gì họ thấy toàn là những yếu kém của mình so với những người đang thành công trong lãnh vực mà họ quan tâm. Và họ lại để cho “những yếu kém đó” trở thành rào cản – cái rào cản ngăn trở họ theo đuổi ước mơ. Nhưng họ đâu biết rằng, bất kỳ ai ở điểm xuất phát đều bắt đầu từ con số không. Vận tốc bằng không là điểm khởi đầu giúp chiếc xe của ta lăn bánh. Dần dần, xe sẽ tăng tốc độ. Việc tăng tốc chỉ xảy ra được khi ta sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm trên hành trình thực tế của mình.

Lúc bạn là người mới bắt đầu:

Những người mới bắt đầu đều cần có sự tự do cho việc mắc sai lầm. Nếu bạn cũng sợ việc sai phạm, thì chính bạn sẽ bị nỗi sợ ấy cản trở bước chân của mình và bạn sẽ không dám bước tiếp. Bạn có biết sự việc khác biệt duy nhất giữa người thành công với người chỉ dám ước mơ là gì không – là người chỉ dám ước mơ luôn nghĩ mình không làm được như những người đã thành công. Thái độ đón nhận sai lầm chính là nền tảng cho việc bạn có thể đạt đến sự hoàn hảo hay không. Mỗi lần làm sai bạn sẽ có thêm một bài học. Càng có nhiều bài học, bạn lại càng dễ hoàn hảo hơn.

Chắc hẳn đâu đó bạn đã nghe câu chuyện phát minh ra bóng đèn của thiên tài Thomas Edison, ông nói rằng “Tôi chưa bao giờ xem sai lầm là thất bại cả. Chúng đơn giản là cơ hội để tôi tìm ra cơ chế nào không hoạt động được mà thôi”. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn thái độ nào của bạn về việc đón nhận trải nghiệm của mình. Trân quý, đón nhận trải nghiệm để có thêm bài học và rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn hay bạn lựa chọn sợ sệt, chùn bước khi mắc sai lầm. Chính thái độ của bạn quyết định tương lai của bạn.

Khi bạn đang trên đường học hỏi:

Chúng ta rất cần trải nghiệm những khó khăn và kinh qua những tình huống ngoài dự kiến. Nếu không có trải nghiệm, bạn sẽ không thể biết được như thế nào là hiệu quả và như thế nào là không hiệu quả cho công việc của mình. Không một ai trở thành chuyên gia mà không trải qua thời gian nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Cũng không một ai trở thành nhà vô địch mà không từng dày công khổ luyện. Tất cả thành công đều cần một tiến trình. Những sản phẩm hoàn hảo mà ta nhìn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng. Giai đoạn xây dựng, thử thách, khó khăn, vấp ngã, thất bại, đứng lên rồi lại vấp ngã, và lại cố gắng đứng lên – chính là phần chìm của tảng băng mà người thành công nào cũng từng trải qua, nhưng không phải ai cũng biết.

Bạn đang trên đường trải nghiệm và đón nhận rủi ro:

Chúng ta lại có xu hướng chờ đợi cho đến khi kết quả của mình thật hoàn hảo mới trình làng. Không ai muốn bị chỉ trích hay bị dèm pha khi đang cố gắng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo cả. Nhưng đợi cho đến khi hoàn hảo cũng chẳng khác gì việc bạn không bao giờ cho ra mắt sản phẩm. Ta cần chấp nhận yếu tố khách quan, đón nhận rủi ro với sản phẩm ban đầu của mình và mạnh dạn giới thiệu cho công chúng. Việc ta cần là chuẩn bị tinh thần đón nhận những phản hồi – chắc chắn là có tốt, có xấu và thậm chí có thể bị chê bai. Nhưng bạn an tâm, chính nhờ những phản hồi như vậy sẽ giúp bạn biết được khiếm khuyết và chỗ nào cần cải thiện để hướng đến một phiên bản sản phẩm hoàn hảo hơn, đó cũng là động lực để bạn nâng cấp sản phẩm của mình và thậm chí có vươn xa hơn nữa. Càng mạo hiểm, bạn càng dễ nhanh chóng thành công – hãy cho mọi người thấy điều tệ nhất của mình, vì bạn đã hơn rất nhiều người khác còn không dám bắt đầu.

Tôi đã hiểu rõ những điều trên và đang thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ chia sẻ những bài học từ trải nghiệm bản thân, ước mơ giúp đỡ những người bị tổn thương tinh thần cần được chữa lành và ước mơ lan tỏa lòng biết ơn với những gì mình đã được trao tặng. Tôi trân trọng và đón nhận sự yếu kém của mình để từng bước hoàn thiện bản thân hơn và trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua của chính tôi.

Tôi cảm nhận được ngọn lửa cống hiến của mình đang cháy, tôi cảm nhận được tiềm năng to lớn trong tôi. Tôi biết sự xuất sắc thực sự của tôi đến từ việc tôi cống hiến hết mình cho xã hội. Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi được ban tặng.

Còn bạn, ước mơ của bạn có trở thành hiện thực hay không là do chính bạn đấy. Nhà diễn thuyết, tác giả nổi tiếng người Mỹ Les Brown có nói rằng “Bạn không cần phải hoàn hảo để bắt đầu, nhưng bạn hãy bắt đầu để trở thành hoàn hảo”.

Biết ơn – 19

Biết ơn – 18

Biết ơn – 17

Biết ơn – 16

Luyện tập tăng trưởng thêm niềm vui và hạnh phúc

Nhìn vào xã hội ngày nay, ta thấy căng thẳng và lo âu nhiều hơn là niềm vui và hạnh phúc. Đáng buồn là trẻ em cũng đang dần bị cuốn theo guồng chạy ấy. Bạn có đang cảm nhận như tôi về điều này không?

Có thể vì tổ tiên chúng ta đã trải qua nhiều sự thiếu thốn về vật chất sau bao cuộc đấu tranh, nên ăn no mặc ấm đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Khi đã có được ăn no mặc ấm, các bậc cha mẹ như chúng ta lại mong nhìn thấy một thế hệ kế thừa sung túc hơn, đủ đầy hơn. Ta đã bắt đầu phấn đấu làm việc không ngừng để tạo điều kiện ăn ngon mặc đẹp cho con cái mình.

Qua thời gian, suy nghĩ của thế hệ giao thời chúng ta đã cho rằng để có được thêm niềm vui và hạnh phúc ta cần phải có thêm nhiều điều kiện vật chất, rồi tiến đến dư giả xa hoa, có địa vị xã hội cao và được mọi người công nhận, nể phục. Tư duy của ta cũng dần quen rằng điều kiện vật chất bên ngoài là nền tảng hạnh phúc cho cuộc sống của mình.

Nhưng sự thật lại là, cảm xúc mới đóng vai trò quan trọng nhất trong niềm vui và hạnh phúc của con người.

Ngày nay, Khoa học Thế giới đã định nghĩa rằng, hạnh phúc là trạng thái của tâm chúng ta, bao gồm những cảm xúc tích cực hoặc dễ chịu, cảm giác hài lòng, vui vẻ thoải mái. Hạnh phúc thường được mô tả với sự liên quan về cảm xúc tích cực và sự thoả mãn trong cuộc sống.

Theo chứng minh của khoa học, thì việc rèn luyện để có hạnh phúc là hoàn toàn có thể xảy ra nếu ta biết phương pháp và thực hành thường xuyên để phát triển Trí Tuệ Cảm Xúc.

Có nhiều phương pháp để luyện tập, như thiền tập, những bài học nhận thức và các khoá học thực hành phát triển bản thân. Hôm nay, tôi xin giới thiệu 7 bài thực hành đơn giản sau đây nhằm giúp bạn luyện tập, hầu tăng trưởng niềm vui và hạnh phúc của bạn từng ngày.

1.       Khởi động ngày mới bằng năng lượng tích cực

Ngay khi thức dậy, bạn hãy dành 15 phút ngồi yên, quay sự chú ý vào bên trong trước khi làm bất cứ điều gì. Ta lắng nghe hơi thở, cảm nhận các cảm xúc trên thân và thả lỏng, suy nghĩ và gửi năng lượng tích cực, năng lượng thành công cho các dự định trong ngày của mình. Một số ý tưởng sau đây sẽ gợi ý giúp bạn cho một ngày bình an và hạnh phúc phía trước:

• Tôi hoàn toàn tập trung vào kết quả trọn vẹn của mình.

• Tôi tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh.

• Tôi hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đề ra.

• Tôi biết các bước tiếp theo của mình và tin tưởng vào sự trợ giúp đầy yêu thương của Vũ Trụ.

• Tôi cho phép mình đón nhận kết quả tốt đẹp.

• Những điều tôi đón nhận thực sự là một phép màu.

2.       Hít thở có ý thức

Hơi thở sâu và có ý thức sẽ sinh ra nhiều năng lượng tích cực và Vũ Trụ luôn sẵn sàng gửi tới thêm nhiều điều tốt đẹp.

Tôi thường đưa ý thức vào hơi thở khi đi bộ hay di chuyển trong ngày vì điều đó giúp tôi thư giãn tâm trí. Khi có điều kiện ngồi xuống vài phút nghỉ ngơi, tôi kết hợp hơi thở có ý thức để kết nối với sự tĩnh lặng bên trong, đó là lúc tôi phục hồi năng lượng đã hao tổn của mình.

3.       Sự tĩnh lặng thiêng liêng

Hãy tạo ra những khoảnh khắc tĩnh lặng thiêng liêng trong ngày. Những khoảng lặng này không cần lâu, chỉ 5 phút là đủ. Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên nhớ và ban tặng cho bản thân nhiều lần như vậy. Trong 5 phút ấy, bạn không dùng điện thoại, không bị phiền nhiễu xung quanh, chỉ một mình bạn, tâm trí bạn hoàn toàn nghỉ ngơi.

Tôi thường dành vài phút sau khi ăn sáng và sau khi dùng bữa trưa hoặc trước khi đi ngủ. Tùy theo thời gian làm việc của mình mà bạn sẽ dần chọn được những thời điểm thích hợp cho việc này.

4.      Hãy chậm lại

Điều này đặc biệt hiệu quả khi bạn đang bị cuốn vào một vòng xoáy của dòng suy nghĩ. Sự choáng ngợp và bận rộn là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mất kết nối với nội tâm và niềm vui sẵn có bên trong. Bạn hãy tập thực thói quen – ngưng lại một nhịp, ngừng suy nghĩ và hít thở vài hơi thật chậm. Hãy chậm lại một bước. Bạn sẽ thấy mọi thứ bớt căng thẳng hơn và cái đầu sẽ sáng hơn.

Tín hiệu SOS (Stop, Observe, Steering) là một gợi nhớ giúp bạn chậm lại. 

5.       Tập quan sát dòng suy nghĩ của mình

Bất cứ khi nào bị cuốn mình vào vòng xoáy suy nghĩ, bạn có thể đứng lên và tạm thời di chuyển đi chỗ khác, nếu trong tình huống không thể thực hiện được, bạn hãy quay vào quan sát hơi thở. Tuy nhiên, không phải dễ dàng làm được ngay điều này, nhưng nếu bạn làm được một lần, lần sau sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ có khả năng làm việc này bất cứ khi nào bạn cần.

6.       Lắng nghe không phán xét

Mỗi người có góc nhìn riêng biệt theo trải nghiệm cá nhân, không ai giống ai. Nếu bạn thử một lần lắng nghe hết câu chuyện của người đối diện mà không bỏ cảm xúc của mình vào, bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị mà mình chưa biết về người ấy, bạn sẽ hiểu hơn về người ấy và bắt đầu thông cảm cho những hành động của họ, những hành động có thể gây sự bất như ý với bạn trước kia. Vì suy cho cùng, mọi hành động đều xuất phát từ việc tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc cho bản thân theo cách suy nghĩ của riêng mỗi người.

 7.     Thực hành lòng biết ơn

Khi ý thức về lòng biết ơn, ta trân trọng những trải nghiệm và những bài học ta có được. Nên nhớ, không có trải nghiệm xấu, chỉ có bài học là gì sau trải nghiệm ấy. Bạn thử chiêm nghiệm điều này nhé.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: “Khi nào ta còn có lòng biết ơn thì khi ấy hạnh phúc vẫn còn có mặt. Người nào đã cạn kiệt lòng biết ơn, thì hạnh phúc không thể còn có nơi người ấy được”.

Và sau cùng, cái gì cũng có tiến trình của nó. Giống như trồng cây thì ta cần thời gian cho cây nảy mầm và lớn dần lên. Công việc của người trồng cây là chăm bón và tưới tẩm hàng ngày.  Luyện tập chế tác niềm vui và hạnh phúc cũng vậy. Bạn là người gieo hạt giống cho cây niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Luyện tập là việc tưới tẩm và chăm sóc cây hàng ngày. Nhưng chắc chắn, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc của bạn nở hoa từng ngày nếu luyện tập thường xuyên, đều đặn.

Vì niềm vui và hạnh phúc của bạn. Chúc bạn thành công.

 

 

Biết ơn – 15

 

Biết ơn – 14

 

 

 

 

Biết ơn – 13