Biết ơn – 12

Sự thật về hạnh phúc

Hạnh phúc chính là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống và là thước đo trung thực nhất để đánh giá sự thành công của con người. Điều này tưởng như rất rõ ràng, nhưng mãi cho đến tận bây giờ, nó mới được chính thức công bố bởi Báo chí Thế giới.

Hầu hết chúng ta đều đang trên đường phấn đấu để có hạnh phúc. Nhưng rất hiếm khi chúng ta dừng lại để chiêm nghiệm, hạnh phúc thật sự là gì và như thế nào là hạnh phúc – tôi cũng vậy.

Tôi đã từng tin rằng hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng những thành tích mà mình đạt được: sự thoải mái về mặt vật chất, sự dư giả tài chính và các nhu cầu xa hoa trong cuộc sống; cảm giác được an toàn về sức khỏe và an toàn về mặt tình cảm; có được sự hòa hợp trong các mối quan hệ xung quanh; được mọi người công nhận và được xã hội tôn trọng.

Tôi đã nỗ lực liên tục trong thời gian dài, rất dài và đến một lúc cũng tạm coi như ổn ổn và có một số thành công nhất định trong cuộc sống. Với chặng đường dài mệt mỏi và liên tục cố gắng như vậy, tôi cũng dần xây dựng cho mình những điều nêu ở trên. Những tưởng là đã cán đích và bắt đầu tận hưởng, vậy mà cảm giác hạnh phúc của tôi vẫn ở đâu đâu, mơ mơ hồ hồ, lúc ẩn lúc hiện. Và dù, có cố gắng thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ chạm đến và có được cảm giác hạnh phúc viên mãn.

Tôi đã thay đổi. Hiện ngay lúc này đây, tôi đang cảm nhận được hạnh phúc của mình một cách tự nhiên khi đã thấu hiểu được 3 sự thật sau đây.

Sự thật số 1: Chúng ta có rất nhiều thói quen luôn làm cho bản thân không hạnh phúc

Khi được sinh ra và lớn lên, theo truyền thống giáo dục gia đình và xã hội bao thế hệ qua, hầu hết chúng ta được dạy rằng, cần phải đạt được một số thành công nhất định mà xã hội công nhận thì ta mới có thể hạnh phúc được. Như an cư, lạc nghiệp, cần phải ổn định chỗ ở, rồi tiến đến sự tiện nghi, xa hơn nữa là dư giả, sung túc. Sau đó là con cái thành đạt, địa vị xã hội, được mọi người tôn trọng, nể phục, vv…

“Nếu tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nếu tôi có được một gia đình như ý, nếu tôi có nhiều bạn bè tốt, nếu tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi, nếu tôi có những kỳ nghỉ tuyệt vời…  thì tôi sẽ hạnh phúc.”

Nói chúng, hạnh phúc là phải có cái này, cái nọ, hay thậm chí là, khi ta hơn người khác về một số thứ thì ta sẽ hạnh phúc hơn. Thế nên, hạnh phúc luôn là cái đích phía trước, hạnh phúc luôn ở “thì tương lai”. Đó là những gì mà ta tuyệt đối tin tưởng và răm rắp thực hiện không ngừng nghỉ. Nhưng, giả sử bạn đã đạt được thứ mà bạn đang theo đuổi. Thì sau đó sẽ là cái gì? Bạn sẽ hạnh phúc ư, hay bạn sẽ chỉ muốn có thêm một cái nữa? Chỉ một điều nữa thôi, và sau đó sẽ là hạnh phúc suốt đời.

Bạn có biết rằng, hạnh phúc không bao giờ được tìm thấy bằng việc có thêm một cái gì đó. Càng theo đuổi bằng cách muốn thêm cái gì đó, càng khiến chúng ta không hạnh phúc. Vì việc theo đuổi sẽ khiến ta mệt mỏi và chính là nguyên nhân làm đứt kết nối giữa ta với niềm hạnh phúc của ta. Chỉ khi nào biết dừng lại, trân trọng và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại, thì ta mới có thể cảm nhận được hạnh phúc.

Sự thật thứ 2: Hạnh phúc đích thực đến từ bên trong

Nếu hạnh phúc không đến từ việc đạt được một cái gì đó bên ngoài, vậy thì nó đến từ đâu?

Sự thật là, hạnh phúc là trạng thái tồn tại sẵn có trong ta. Ta hoàn toàn có thể hạnh phúc một cách tự nhiên. Chính cái mong muốn cần thêm một cái gì đó để được hạnh phúc, là điều khiến chúng ta không hạnh phúc.

Hạnh phúc nằm sẵn trong con người chúng ta, nhưng nó lại luôn bị chôn vùi dưới nhiều tầng tầng lớp lớp: sự căng thẳng, sợ hãi, sự lo lắng, sự toan tính, mong muốn, nỗi khổ niềm đau…

Bí mật để có được hạnh phúc là ta cần phải học cách để nhận ra những tầng tầng lớp lớp kia và làm cho bốc hơi những cảm xúc tiêu cực kia đi. Và một cách tự nhiên, niềm hạnh phúc của ta sẽ được hiển thị.

Sự thật này được tìm thấy ở những thời khắc trong cuộc đời mà chúng ta có được cảm nhận sâu sắc nhất. Ví dụ, như khi sinh con, khi kết hôn, hoặc khi được làm điều gì đó mà ta yêu thích. Những khoảnh khắc này khiến bạn quên hết mọi thứ xung quanh. Bạn không mảy may lo lắng về tương lai hoặc suy nghĩ về quá khứ. Bạn đang thực sự ở trong thời điểm của hiện tại, bạn đang tiếp xúc với nội tâm của bạn – một phiên bản mà không cần phải có thêm một cái gì nữa để có hạnh phúc cả.

Chính khoảnh khắc hiện tại này đây mới cho phép bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc của mình. Nó luôn tồn tại bên trong bạn, khi không còn bị che khuất bởi những căng thẳng, toan tính và lo âu.

Sự thật thứ 3: Hạnh phúc là một sự lựa chọn

Sau hai sự thật ở trên, ta có thể hiểu rằng, hạnh phúc có được tùy thuộc vào sự chọn lựa của ta, ta có quyền lựa chọn và cho phép nó xảy ra hay không.

Điều khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ là khả năng lựa chọn – chọn suy nghĩ, chọn cảm xúc và chọn cách ứng xử trong mọi tình huống. Tác giả cuốn sách Search Inside Yourself (Tìm Kiếm Bên Trong Bạn) – Chade Meng Teng gọi là Ngã Ba Thần Thánh. Mỗi khoảnh khắc trong đời ta là một ngã ba. Ta có toàn quyền chọn cho mình cảm xúc gì tại mỗi thời khắc đó. Mỗi lựa chọn sẽ dẫn ta đến một kết quả khác nhau.

Bạn có thể chọn cảm giác bị xỉ nhục bởi những lời người khác nói hoặc đối xử với bạn, nhưng bạn cũng có thể chọn cách đón nhận nó như một trải nghiệm sống. Đó chỉ là quan điểm của người kia, trong khi quan điểm của bạn lại hoàn toàn khác vì trải nghiệm và quá khứ của hai người không giống nhau. Hai người đến từ hai quá khứ khác nhau. Chỉ là chúng ta chưa hiểu phía sau lời nói hay hành động kia là gì mà thôi. Không có đúng sai, mà chỉ là góc nhìn của hai người đang khác nhau khi nhìn vào cùng một vấn đề.

Không có lựa chọn tốt hay xấu, chỉ là theo thói quen, ta thường hay dán nhãn lên sự việc và tạo lên một thành kiến của riêng ta đối với nhân vật ấy, tình huống ấy qua trải nghiệm của bản thân ta trong quá khứ mà thôi.

Cũng giống như chúng ta đã từng học cách chọn những điều khiến chúng ta không hạnh phúc trước đây, thì ngay từ bây giờ, ta cũng hoàn toàn có thể học cách chọn những điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Khi thực hiện cách chọn mới, ta cần thời gian luyện tập ban đầu, dần dần sự lựa chọn đó sẽ thành thói quen và sự lựa chọn ấy sẽ trở thành tính cách của bạn, một cách tự nhiên theo thời gian.

Sau cùng, sự khác biệt duy nhất giữa hạnh phúc và đau khổ là bạn biết chọn cái nào.

Biết ơn – 11

Biết ơn – 10

Biết ơn – 09

Biết ơn – 08

Tổn thương tâm hồn – Tôi đã được chữa lành như thế nào?

Khi có sự kiện gợi nhớ đến câu chuyện buồn trong quá khứ, hay ai đó nhắc đến người đã từng làm bạn tổn thương mà bạn không còn cảm xúc buồn hay đau khổ nữa. Mỗi lần bạn nhắc lại câu chuyện quá khứ kia như thể bạn đang kể về một chuyện của ai khác, hoặc chỉ là một trải nghiệm của bạn mà thôi. Thật lòng chúc mừng bạn, vết thương của bạn đã hoàn toàn lành hẳn.

Tôi đã từng bị tổn thương rất lâu mà không biết. Cho đến khi tôi nhận ra, mình lại là nạn nhân của chính mình. Trong suốt một thời gian dài, tôi tự biện hộ cho tình trạng của mình, đã vô tình tạo cho mình một vỏ bọc bề ngoài.  Và tôi đã để cho cảm xúc tiêu cực kéo cuộc sống của tôi chìm xuống sâu, rất sâu – tôi đã từng bị trầm cảm.

Tôi thường suy nghĩ và nhớ về những câu nói làm tôi đau, những câu nói chạm đến tự ái của mình, có những câu nói như vết dao cắt vào tim không thể quên được và nó đã để lại nhiều vết thương trong lòng tôi, thậm chí đã hình thành nỗi sợ rất lớn trong tôi. Tôi sợ nghe giọng nói của người ấy, tôi sợ tiếp xúc, sợ không làm hài lòng, sợ đủ điều… liên quan đến người ấy. Tôi cứ bị lẩn quẩn trong trạng thái trầm lắng, thích thu mình lại và cứ để nó tồn tại như thế.

Sau một thời gian khá dài khi không còn tiếp xúc nữa, nhưng mỗi khi có điều gì gợi nhớ hay liên quan đến người ấy, cảm xúc của tôi vẫn ùa về, rất tiêu cực – giận có, đau có và buồn nữa.

Và vết thương của tôi đã được chữa lành như thế nào?

Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của mình, mong giúp được những bạn đang như tôi trước kia cũng sẽ được chữa lành và gỡ được những nút thắt trong lòng – những nút thắt do chính mình tạo ra mà không biết, giống như tôi đã từng. Bạn có biết, khi một nút thắt được gỡ, bạn lại rất dễ dàng mở những nút thắt còn lại. Cuộc đời bạn sẽ thênh thang hơn nhiều.

Tôi đã tìm tòi, tìm kiếm và thực hành khá nhiều phương pháp như trong Neuro-Linguistic Programming – NLP (Lập trình Ngôn ngữ Tư duy), Thiền tập Vipassana và áp dụng những bài thực hành trong Search Inside Yourself (Tìm kiếm Bên trong Bạn).

Qua trải nghiệm bản thân, ước mong được chia sẻ 5 bước mà tôi đã áp dụng thành công cho việc chữa lành những tổn thương của chính mình.

Những trước khi đi vào chi tiết, xin nói thêm vài lời để các bạn hiểu và can đảm nhấc lên bước chân đầu tiên trên hành trình chữa lành của mình.

Ngày mới chào đời, chúng ta không ai biết đi cả. Vậy mà bạn hãy nhìn xem, chúng ta đang đi một cách tự nhiên trong vô thức ở mọi lúc cần thiết mà không phải có một chút cố gắng nào cả. Tất cả đều là sự luyện tập các bạn ạ.

Nhìn đứa bé tập đi, bạn sẽ hình dung tiến trình chữa lành của mình sẽ ra sao. Vài bước chập chững ban đầu rất chậm, khó khăn, té lên té xuống. Nhưng khi đã bắt đầu được vài bước, bé lại đi rất nhanh. Bạn cũng vậy, đừng quá lo lắng là mình không làm được. Tôi chắc chắn bạn sẽ hóa giải được cảm xúc và chữa lành được khi bạn thực sự quyết tâm. Vì tôi đã làm được, thì bạn cũng vậy. Chúng ta đều được vũ trụ trao tặng khả năng như nhau.

Bước 1:   Gợi nhớ lại cảm xúc tiêu cực (Recall)

  • Bạn hãy ghi lại một tình huống bạn nhớ rất rõ trong quá khứ mà bạn đã rơi vào cảm xúc tiêu cực kéo dài. Tình huống đó xảy ra với ai, trong điều kiện nào, kéo dài bao lâu.
  • Để bắt đầu, bạn hãy chọn cho mình một thời gian và không gian yên tĩnh, chỉ có mình bạn. Tôi thường chọn cuối ngày trước khi đi ngủ, hay buổi sáng khi vừa ngủ dậy vào ngày cuối tuần được nghỉ việc. Bạn có thể bật nhạc thiền nhẹ nhàng khi thực hành các bước này, quan trọng là cần tạo cho mình không gian thư giãn thoải mái nhất.
  • Hãy ngồi thư giãn, nhẹ  nhàng tập trung vào hơi thở. Khi thở, bạn tập trung vào các cảm thọ trên thân, đưa thân và tâm hợp nhất lại.
  • Hãy giữ cho tâm của mình được bình tĩnh, và nhớ lại tình huống tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ, bạn đang hồi tưởng lại toàn bộ sự kiện đó.
  • Cảm xúc của bạn ra sao khi sự kiện đó đang xảy ra?
  • Những cảm giác trên thân mà bạn đã trải qua khi sự kiện đó diễn ra như thế nào? Hãy hình dung thật rõ ràng những cảm giác của bạn. Khi bạn nhìn thấy người ấy, bạn nghe những điều khó chịu đó, cơ mặt của bạn như thế nào? Nhịp tim của bạn đập mạnh như thế nào? Hơi thở của bạn ra sao?
  • Hãy hình dung và cảm nhận rõ ràng những cảm giác trên thân của mình. Ngay lúc này bạn có đang cảm thấy và hiện diện trọn vẹn, đưa mình về đúng với thời điểm mà sự kiện đó xảy ra không? Hãy cố gắng nhớ lại hết sự kiện đó, từng tình tiết một.

Bước 2.   Dừng lại (Stop/Breath)

  • Và bây giờ chúng ta hãy dừng suy nghĩ về tình huống đó. Quay về quan sát hơi thở, không để tâm trí của mình tiếp tục trong luồng suy nghĩ về tình tiết câu chuyện đó nữa. Hãy đem tâm trí của mình quay trở lại hiện tại, quan sát hơi thở. Chỉ quan sát hơi thở mà thôi. Không để luồng suy nghĩ tiếp tục diễn ra.
  • Một lần nữa, cảm nhận sự nhẹ nhàng lan tỏa trên khắp cơ thể của bạn, từ đôi vai xuống hai cánh tay, toàn bộ cơ thể của bạn đang được thả lỏng, nhẹ nhàng.
  • Hãy tiếp tục hít thở chậm và sâu, duy trì trạng thái bình an.

Bước 3. Nhận diện cảm xúc (Notice)

  • Và bây giờ, khi đã lấy lại sự bình an trong tâm trí. Bạn hãy tiếp tục quan sát những cảm giác trên cơ thể của mình ngay lúc này. Nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ của cơ thể, nó đang có sự thay đổi như thế nào so với lúc ta hình dung sự kiện tiêu cực đã xảy ra. Hãy quan sát thật kỹ sự thay đổi những cảm giác trên thân của mình.
  • Lúc này, khi quan sát những cảm nhận trên thân, ta nhận ra rằng những cảm xúc này là một hiện tượng sinh lý, chứ không phải hoàn toàn là con người của bạn.
  • Hãy cảm nhận rõ ràng rằng, bạn “trải nghiệm” một cảm giác đang xảy ra trên thân (như tim nhói đau, cơ bắp cứng lại ở đâu đó, khó thở ….). Bạn chỉ đang trải  nghiệm sự đau nhức trên cơ thể của bạn mà thôi. Cảm xúc đó không phải là con người bạn, chỉ là một trải nghiệm.
  • Và sau khi đã quan sát mọi trải nghiệm một cách rõ ràng, bây giờ chúng ta hãy đi đến bước tiếp theo.

Bước 4. Suy nghĩ để hiểu rõ về nguồn gốc cảm xúc (Reflect)

  • Bây giờ, bạn hãy suy nghĩ xem:
    • Những cảm xúc đó đến từ đâu?
    • Khi ta đang nghĩ về sự kiện tiêu cực đó, có câu chuyện nào đàng sau nó hay không?
    • Lý do gì khiến người ấy đã hành xử như vậy?
    • Khi làm điều đó, người ấy có đang bị kích thích hay không?
    • Người ấy có đang mất kiểm soát hay không?
    • Người ấy có đang trải qua những cảm giác tiêu cực và chưa được hóa giải hay không?
    • Ta có biết được những trải nghiệm của người ấy trước khi xảy ra sự kiện là gì không? Liệu trải nghiệm đau khổ của người ấy có ảnh hưởng gì đến những lời nói, hành động họ đối xử với ta hay không?
  • Hãy nghĩ đến điều này: Ai cũng muốn được hạnh phúc. Người này nghĩ rằng hành động như vậy sẽ khiến cho họ được hạnh phúc theo một cách nào đó.
  • Và sau khi đã suy nghĩ về những nguyên nhân có thể xảy ra, chúng ta hãy tiến hành đến bước tiếp theo.

Bước 5: Phản ứng bằng sự hiểu biết và yêu thương (Respond)

  • Hãy chọn cho mình một cách phản ứng sau khi đã suy xét rõ nguyên nhân, ngữ cảnh của sự việc đó với sự hiểu biết, cảm thông và đưa ra sự lựa chọn an lành nhất cho bản thân.
  • Tiếp tục duy trì hơi thở nhẹ nhàng, chậm rãi. Hãy đưa tâm trí của mình bình tĩnh và  tìm những cách mà bạn có thể phản ứng với tình huống này và tạo ra một  kết quả tích cực, giàu tình yêu thương nhất. Mình sẽ nói câu gì? Mình sẽ làm gì? Hãy thử hình dung thật rõ ràng câu nói, hành động của mình và hãy quan sát hơi thở. Mỉm cười thật nhẹ nhàng khi chúng ta nghĩ về cách phản ứng tạo ra kết quả tích cực và giàu tình yêu thương nhất. Khi đó chúng ta đang trao đi tình yêu thương cho người khác, và giúp họ cũng giải quyết được sự khó chịu và đau khổ của bản thân họ.
  • Khi yêu thương, chúng ta sẽ luôn cố gắng trở thành người tốt đẹp và khi ta cố gắng để trở nên tốt đẹp, thì mọi thứ xung quanh ta cũng trở nên tốt đẹp hơn.
  • Và hãy nhớ rằng, nếu như mình chưa tìm ra được một lời nói, hay hành động nào để xử lý tình huống này một cách tích cực và giàu tình yêu thương, thì đôi khi đơn giản sự im lặng sẽ tốt hơn là những lời nói.
  • Bạn hãy mỉm cười nhẹ.
  • Sau tiến trình, bạn đã suy nghĩ và tìm cách giải quyết cho tình huống tiêu cực đó. Và giờ đây, bạn đã biết  cách phản ứng sao cho có được kết quả tốt đẹp nhất và giàu tình yêu thương nhất để phản hồi lại.

Bây giờ hãy quay trở về với tâm trí của mình, bạn hãy quay trở lại quan sát hơi thở trong vòng vài giây. Hãy quan sát xem, có còn bất cứ cảm xúc khó chịu nào đang lưu giữ lại trên cơ thể của mình không. Bạn hãy mỉm cười và nhẹ nhàng buông thả những cảm xúc tiêu cực đó đi. Nhẹ nhàng ngồi thở thư giãn, không suy nghĩ và hãy uống một tách nước ấm.

Sau mỗi lần thực hiện tiến trình này, cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ giảm dần. Thường xuyên thực hiện, vết thương lòng của bạn sẽ từ từ lành hẳn. Đến một lúc, bạn không còn cảm xúc khi có điều gì gợi nhớ đến câu chuyện buồn ấy nữa. Lúc đó, cuộc đời bạn sẽ thênh thanh và nhẹ nhàng hơn.

Mong bạn sớm tìm lại bình an vốn có bên trong bạn.

Biết ơn – 07

Biết ơn – 06

Biết ơn – 05